Số tài khoản F0 mở mới tăng kỷ lục, thị trường đạt đỉnh, vốn hóa tăng mạnh trong 5 năm gần đây, hiện đạt 105% GDP…khiến thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giữa mùa đại dịch.
Chinh phục những đỉnh cao mới giữa mùa đại dịch
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết: “Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020".
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, phiên có giá trị giao dịch lịch sử lại ghi nhận vào ngày 18/5/2018 với 34.895 tỷ đồng.
Số liệu vừa công bố của Trung tâm Lưu ký cho biết trong tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản. Đây là ngưỡng cao kỷ lục lịch sử mới. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020 – năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.
Ngược lại, số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6 lại giảm. Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ mở mới 280 tài khoản, trong khi tháng 5 là 423 tài khoản. Riêng với tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đóng tài khoản nhiều hơn mở. Cụ thể, tài khoản mới mở là 25 nhưng tài khoản đóng lại 28.
Làn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước nhảy vào thị trường chứng khoán vẫn đang liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử mới, cũng giống như chỉ số VN-Index. Điều này đẩy thanh khoản lên rất cao và khiến hệ thống giao dịch sàn Hose nghẽn. Thậm chí chiều 1/6, Hose quyết định tạm ngừng giao dịch vì thanh khoản đột biến dẫn đến rủi ro mất an toàn cho hệ thống.
Tuy nhiên đã có những lo ngại rằng không phải dòng tiền F0 tạo nên thanh khoản kỷ lục như vậy, mà là việc sử dụng margin quá nhiều. Tại thời điểm cuối quý II/2021, dư nợ cho vay margin tại 51 công ty chứng khoán hiện chiếm hơn 95% thị phần cho vay margin toàn thị trường - tăng 26% so với quý trước - tương ứng 126.400 tỷ đồng.
Theo thông tin từ FiinTrade Platform, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam chạm mức cao nhất trong lịch sử. Tỷ lệ này được tính toán bằng dư nợ margin trên tổng giá trị vốn hóa tính theo giá trị điều chỉnh cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) trên Hose và HNX, tại thời điểm cuối tháng 6 khoảng 6,7% - tăng 1% so với cuối quý I. FiinTrade cũng lưu ý rằng, dư nợ cho vay margin này chưa bao gồm giá trị cho vay 3 bên (thường gọi là kho).
Tại thời điểm cuối quý II/2021, dư nợ cho vay margin tại 51 công ty chứng khoán hiện chiếm hơn 95% thị phần cho vay margin toàn thị trường - tăng 26% so với quý trước - tương ứng 126.400 tỷ đồng trong khi quy mô vốn hóa điều chỉnh tăng thấp hơn 10%.
FiinTrade nhận thấy, tỷ lệ này tăng dần đều kể từ quý II/2020 sau khi chạm mức cao 5,6% trong quý I/2020 - chủ yếu do giá cổ phiếu giảm sâu khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam.
Tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao cho thấy có yếu tố rủi ro hiện hữu nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên với thanh khoản hiện tại, thị trường chỉ cần 5,5 phiên giao dịch để có thể hấp thụ toàn bộ lượng margin này, giảm dần từ mức rất cao là 22,5 ngày trong quý IV/2019.
Điểm tích cực đó là lượng tiền chờ mua chứng khoán tại 51 công ty chứng khoán này tăng 13.600 tỷ đồng so với quý trước đạt 70.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2021. Đây là mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp và thị trường đang thiếu vắng kênh đầu tư phù hợp. Trong khi đó, giá trị danh mục chứng khoán niêm yết của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì tăng 13,5% so với quý trước trong quý II này.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh những tác động đa chiều từ dịch bệnh Covid-19, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã hoàn tất triển khai giải pháp kỹ thuật xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch và chính thức vận hành từ ngày 5/7/2021.
Nhân dịp này, một số công ty chứng khoán như Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) đã nhanh chóng gửi thông báo tới các thượng đế của mình về việc áp dụng thu phí dịch vụ hệ thống – 27.500 đồng/tháng - áp dụng từ ngày 1/7 để phát triển hệ thống công nghệ hiện đại theo định hướng tích hợp đa kênh, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang đến cho Quý khách hàng những trải nghiệm đầu tư tối ưu.
Sau 3 ngày HOSE vận hành hệ thống giao dịch mới, nhà đầu tư cho biết vẫn liên tục gặp lỗi. Trong phiên giao dịch sáng 7/7, các nhà đầu tư bức xúc, phản ánh tình trạng lỗi hệ thống của một số công ty chứng khoán như SSI, VPS, TCBS, VNDS, Mirea, khiến họ không thể giao dịch.
Phía HOSE cho rằng, đây chỉ là lỗi kết nối của các công ty chứng khoán với hệ thống mới, dẫn đến các sự cố như nhận lệnh chậm và không chính xác.
Trước khẳng định của HOSE, một số công ty chứng khoán đã gửi “tâm thư” xin lỗi khách hàng vì để xảy ra lỗi làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Theo VNDirect, do những thay đổi liên quan tới việc nâng cấp triển khai hệ thống mới của Hose, hệ thống giá của VNDirect đã xảy ra hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu, dẫn tới giá dự khớp của một số cổ phiếu trong phiên ATC không chính xác.
SSI cho biết, hệ thống giao dịch của SSI có hiện tượng ghi nhận lệnh chậm và không cập nhật chính xác trạng thái lệnh. Công ty chứng khoán này khuyến cáo khách hàng hạn chế đặt lệnh mới để tránh việc phát sinh lệnh không đúng như kỳ vọng. Không lâu sau đó, SSI thậm chí còn thông báo tạm dừng các kênh nhận lệnh cho đến khi giải quyết dứt điểm vấn đề.
Về nguyên nhân dẫn đến các lỗi giao dịch nói trên, theo Công ty Chứng khoán SSI, là do “các hệ thống đang chưa hoàn toàn tương thích dẫn đến hiện tượng đăng nhập chập chờn, dữ liệu hiển thị chưa chính xác, chậm cập nhật trạng thái lệnh”.
Vẫn còn “sạn” trong những ngày đầu chuyển đổi, nhưng nhìn chung, hệ thống giao dịch mới của Hose do FPT cung cấp đã gỡ được hạn chế về năng lực xử lý của hệ thống giao dịch cũ dù thanh khoản vẫn chưa phục hồi trở lại.
Không ít nhà đầu tư bày tỏ mong muốn hệ thống giao dịch HOSE mới được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phép giao dịch ngay T+0 hoặc ít nhất là T+2...
Trước đề xuất trên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hi vọng hệ thống KRX sẽ vận hành vào cuối năm nay để trong năm 2022 triển khai giao dịch trong ngày T+0.
TTCK Việt sẽ vươn lên ra sao?
Nói về kịch bản 6 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận chỉ có 25% khả năng xảy ra kịch bản lạc quan nhất là VN-Index đạt 1.700 điểm, P/E 22 lần.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá nếu làn sóng COVID thứ 4 được đẩy lùi, VN-Index có thể duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Ở kịch bản thứ hai, BSC dự báo VN-Index có thể dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.
BSC cho rằng, TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ bởi một số thông tin như: Tiếp tục giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch COVID-19 và hỗ trợ tăng trưởng; bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định và ban hành các chính sách mới; và các ETFs, FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục.
Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo VN-Index vượt 1.400 điểm trong năm 2021, vào dao động quanh ngưỡng này trong năm 2022.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đánh giá thị trường đang trong giai đoạn nước rút để tiến nhanh đến cột mốc mới tại 1.400 điểm.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sớm hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin KRX phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường.