"Sức khoẻ" nền kinh tế thế giới 2022: Kỳ vọng hồi phục trong năm 2023

31-12-2022 13:00|Giai Nhi

Năm 2022 là một năm đầy sóng gió với kinh tế thế giới từ các vấn đề về năng lượng, lạm phát, lãi suất đều là những vấn đề nóng trên toàn cầu.

Khủng hoảng năng lượng

Nếu phải chọn ra một vấn đề đã định hình và xuyên suốt năm 2022 thì đó chính là "Khủng hoảng năng lượng". Đây là một cuộc khủng hoảng đặc biệt ở chỗ nó không xuất phát từ sự thiếu hụt nguồn cung, mà do các xung đột địa chính trị. Khởi đầu bằng cuộc xung đột Nga - Ukraine cuối tháng 2, các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng, lĩnh vực xuất khẩu chính của Nga, khiến giá dầu khí nhanh chóng leo thang.

Biểu đồ giá dầu Brent năm 2022 được chuyên trang tài chính CNBC tổng hợp cho thấy, giá dầu đã tăng vọt từ mức 98,08 USD/thùng trước xung đột Nga - Ukraine lên đến mức kỷ lục gần 130 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã giảm về xấp xỉ mức giá hồi đầu năm.

"Tôi không nghĩ rằng trong tương lai giá dầu sẽ được giao dịch trên mức 100 USD/thùng, dự báo của chúng tôi cho năm 2023 là mức giá dao động trong khoảng 85 - 90 USD/thùng", ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư cao cấp của CFRA Research, cho biết.

Sự thay đổi trên bản đồ năng lượng toàn cầu

Nguyên nhân cho sự bình ổn của giá năng lượng đến từ những điều chỉnh trong chuỗi cung ứng. Đây không phải là khủng hoảng nguồn cung. Dầu thô và khí đốt của Nga chưa bao giờ biến mất khỏi thị trường, nó chỉ thay đổi từ khách hàng này sang khách hàng khác, cụ thể ở đây là từ châu Âu sang châu Á. Có thể nói bản đồ năng lượng thế giới cuối năm 2022 đã không còn điểm gì tương đồng với một năm trước đó.

Năm 2021, 2022, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho châu Âu, với 2,2 triệu thùng dầu được xuất khẩu sang châu Âu mỗi ngày.

Tuy nhiên kể từ ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển bắt đầu có hiệu lực. Các chuyên gia tính toán lệnh cấm này sẽ cắt đứt 90% dòng chảy dầu thô của Nga vào EU. EU cũng áp trần giá dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng.

Để chống đỡ, Nga chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á. Hiện 89% dầu thô của Nga đang xuất khẩu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Để bù lại nguồn cung từ Nga, EU tìm kiếm các nhà cung cấp mới từ Mỹ và Trung Đông. Đức đã ký hợp đồng mua khí đốt kéo dài 15 năm với Qatar. Hungary cũng đang đàm phán với Qatar.

Mỹ đã nhảy vào thị trường năng lượng và được dự báo sẽ trở thành nhà xuất khẩu ròng khí tự nhiên hóa lỏng (LN) vào năm 2023. Còn trong năm 2022, Mỹ cung cấp tới hơn 50% lượng khí LNG nhập khẩu vào EU.

Theo số liệu từ Reuters, trong năm 2022 này, Mỹ xuất khẩu trung bình 10 triệu m3 khí tự nhiên hóa lỏng mỗi tháng, gấp đôi so với năm 2021.

Sự phát triển của xe điện

Năng lượng không phải là câu chuyện đơn lẻ. Khi giá xăng và giá dầu tăng lên, người dân có xu hướng tìm kiếm các phương tiện giao thông tiết kiệm hơn. Đây chính là một trong yếu tố quan trọng dẫn đến sự nổi lên của xe điện trong năm 2022.

Dù chưa kết thúc năm 2022, nhưng các dự báo đều cho thấy, thị trường xe điện sẽ tiếp tục có một năm phá kỷ lục, khi doanh số xe điện toàn cầu các quý đầu năm đều tăng trưởng 50 - 70% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Mỹ, bão giá cả đặc biệt là xăng dầu đang được xem là một động lực để chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy chính sách kinh tế xanh, giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Đó là lý do trong "Đạo luật Giảm lạm phát" được thông qua hồi giữa năm nay, hàng loạt các ưu đãi với xe điện được đưa ra, như trợ giá và trợ thuế cho người mua xe điện sản xuất tại Mỹ, cũng như đầu tư vào hệ thống trạm sạc điện.

Dự kiến xe điện sẽ vượt mốc 5% tổng lượng xe bán ra tại Mỹ năm nay - ngưỡng được cho là bản lề để xe điện vươn lên dẫn đầu thị trường trong thời gian tới.

Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường chiếm hơn một nửa lĩnh vực xe điện toàn cầu, cũng chứng kiến bước nhảy vọt, với dự báo khoảng 6,5 triệu xe điện bán ra trong cả năm, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Các nhà sản xuất xe điện cả trong và ngoài Trung Quốc đều được hưởng lợi lớn từ hệ thống chính sách ưu đãi năng lượng xanh, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang hỗ trợ nền kinh tế tái mở cửa sau đại dịch.

Dù vẫn còn ở quy mô khá khiêm tốn, nhưng các nước Đông Nam Á cũng đang được xem là một mục tiêu tiềm năng cho giới sản xuất xe điện. Trong năm nay, một số nhà máy xe điện mới trong khu vực của Hyundai hay SAIC Motor đã bắt đầu hoạt động. Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đang "trải thảm đỏ" mời gọi các hãng xe quốc tế với những chính sách thuế và trợ giá, cũng như giúp xe điện đến gần với người tiêu dùng nội địa.

Lạm phát ở nhiều nước tăng vọt

Một vấn đề đáng chú ý khác trong năm 2022 là tình trạng lạm phát. Cũng như xe điện, điều này có liên quan trực tiếp đến giá năng lượng. Giá năng lượng cao đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước tăng vọt.

Những con số này cho thấy mức đỉnh lạm phát ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ở Mỹ, con số này là 9,1% diễn ra vào tháng 6, ở Anh tháng 10 là 11,1%, Đức là 10,4%, EU là 11,1% (tháng 11). Phần lớn các con số này đều là mức đỉnh lịch sử hoặc cao nhất trong nhiều thập niên.

Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương đã buộc phải nâng lãi suất, dẫn đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ở Mỹ, đến tháng 12/2022, lãi suất cơ bản đang nằm trong ngưỡng 4,25 - 4,5% cao nhất trong vòng 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã kết thúc giai đoạn 15 năm lãi suất cơ bản âm hoặc bằng 0 để kích cầu nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 và đẩy mặt bằng lãi suất lên mức 2,5%.

Kỳ vọng phục hồi năm 2023

Cuộc đua lãi suất đã hạ nhiệt cùng với tình trạng lạm phát. Nhận xét về năm tới, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, kinh tế thế giới sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2022.

"Suy thoái thì không phải, nhưng rõ ràng kinh tế suy giảm, đặc biệt Mỹ dự kiến giảm tăng trưởng ở mức độ từ 3% xuống 1%; châu Âu là gần 0%, tăng trưởng không đáng kể. Biến động này mang tính chất cục bộ, nó là sự điều chỉnh của thị trường. Đây không phải là điều gì quá nghiêm trọng, cái chúng ta cần lo là lo điều chỉnh cho tốt để ứng phó với các biến động ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Bên cạnh đó, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách Zero COVID-19 và bắt đầu tăng trưởng trở lại từ mức 3% năm 2022 lên 4,3 - 4,5% năm 2023, tăng trưởng mạnh hơn khá nhiều. Với quy mô khá lớn của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn có các tác động tích cực trong khu vực và chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Sản xuất điện tử và dược phẩm sẽ khá thuận lợi trong thời gian tới", PGS.TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, cao hơn con số 2,6% của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng mang tính dây chuyền đã diễn ra trong năm 2022, nhìn chung, các nước vẫn cho thấy sức chống đỡ dẻo dai và sự hồi phục đáng kinh ngạc. Điều này giúp chúng ta có thêm cơ sở để hy vọng cho một năm 2023 sắp tới.

Ứng phó Donald Trump, Trung Quốc và Nhật Bản tung loạt chính sách tức thời

CEO Wigroup Trần Ngọc Báu: Liệu nền kinh tế thế giới có đang chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh mềm?

Theo Kiến Thức Đầu Tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/suc-khoe-nen-kinh-te-the-gioi-2022-ky-vong-hoi-phuc-trong-nam-2023-164495.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Sức khoẻ" nền kinh tế thế giới 2022: Kỳ vọng hồi phục trong năm 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH