Cổ phiếu PGB của PGBank đã tăng trần để lọt vào top 6 cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất ở thời điểm hiện tại sau khi 40% cổ phần ngân hàng có chủ mới.
Nửa đầu phiên sáng 10/4/2023 (10h19), tình trạng phân hóa sớm diễn ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng với đà giảm ở VCB (-1%) và BID (-0,77%). Trong khi đó, một số mã ghi nhận sắc xanh như SHB (+3,02%), TCB (+2,71%), HDB (+0,51%),...
Đáng chú ý, cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) bất ngờ được ké kịch trần 14,86% lên 28.600 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến một số cổ phiếu ngân hàng |
Động thái này diễn ra ngay sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (Petrolimex) tổ chức đấu giá công khai 120 triệu cổ phần - tương đương 40% vốn của ngân hàng này tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) hôm 7/4 vừa qua.
Theo kết quả đấu giá, 3 tổ chức và 1 cá nhân trong nước đã mua vào toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB với giá bình quân 21.400 đồng/cổ phiếu. Mức giá này nhỉnh hơn một chút so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu mà Petrolimex đưa ra nhưng thấp hơn khoảng 13% so với thị giá thời điểm đó của PGB. Ước tính, Petrolimex có thể thu về 2.568 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.
Kết quả đấu giá 40% cổ phần PGBank. |
Kể từ khi thông tin Petrolimex thoái vốn tại PGBank được công bố, cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến 11 phiên tăng liên tiếp. Với mức giá tăng trần tại thời điểm 10h19 đang ghi nhận, cổ phiếu PGBank đã tăng tổng cộng 68% tính từ đầu tháng 3 và tăng 75% kể từ đầu năm. Mức giá này cũng cao hơn 33,6% so với giá trúng đấu giá bình quân 21.400 đồng/cổ phiếu cách đây ít ngày.
Với mức giá hiện tại, cổ phiếu PGB đã vươn lên và trở thành mã có giá cao thứ 6 trong nhóm ngân hàng (sau TCB, CTG, SSB, BID và VCB) - vượt mặt nhiều tên tuổi như EIB, LPB, VPB, STB, VIB, MBB, TPB, SHB,...
Về kết quả kinh doanh năm 2022, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.210 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng, tăng 56,2% so với năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt hơn gần 49.000 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái trong đó nợ dưới tiêu chuẩn hơn 62,2 tỷ đồng; nợ nghi ngờ 119 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn gần 563 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng đang giữ ở mức 2,68%.