Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết trước mùa cao điểm
Theo thống kê, số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam thường tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, trùng với mùa mưa.
Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên toàn cầu và mùa dịch tại Việt Nam đang đến gần (tháng 5 đến tháng 11), Bộ Y tế kêu gọi các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN Phòng chống sốt xuất huyết (15/6/2025), đẩy mạnh truyền thông và kêu gọi cộng đồng tham gia tiêu diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch.
Theo thống kê, số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam thường tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, trùng với mùa mưa. Trên thế giới, dịch bệnh này cũng đang có xu hướng lan rộng, đòi hỏi các biện pháp phòng chống quyết liệt trước khi mùa dịch đạt đỉnh.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương sớm ban hành kế hoạch hành động, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN Phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 15. Các chiến dịch truyền thông cần được triển khai rộng rãi, nhấn mạnh vai trò của chính quyền, tổ chức xã hội và người dân trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Theo WHO, cứ 12 phút, toàn cầu lại có một người tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: Pexels
Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp trọng tâm:
1. Diệt lăng quăng và kiểm soát muỗi: Các địa phương cần phân công trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền cơ sở, phối hợp với ngành y tế tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng. Tất cả các hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ hoặc đang có ổ dịch cần được kiểm tra, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng như lốp xe cũ, chum vại, chai lọ, nơi muỗi có thể sinh sản.
2. Phun hóa chất diệt muỗi: Sở Y tế các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ việc xử lý ổ dịch, đảm bảo 100% khu vực có dịch được phun hóa chất diệt muỗi.
3. Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng: Các hoạt động truyền thông cần đa dạng hóa, từ phát thanh, áp phích đến mạng xã hội, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh như lật úp vật chứa nước, ngủ màn, diệt lăng quăng và sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt. Đặc biệt, người dân cần được thông tin về các triệu chứng sốt xuất huyết và khuyến cáo đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bệnh, tránh tự điều trị tại nhà.

Mọi người đều có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nguy cơ nhiễm bệnh nhiều lần do có 4 type virus gây bệnh (Hình minh họa/Internet)
4. Huy động học sinh, sinh viên: Phối hợp với ngành giáo dục, các trường học cần tổ chức phong trào dọn vệ sinh, loại bỏ ổ lăng quăng trong khuôn viên trường và khu dân cư lân cận.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế, bao gồm cả bệnh viện công và tư, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Các cơ sở cần đảm bảo tư vấn kịp thời, cấp cứu và chuyển tuyến đúng quy trình để giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Việc phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và các tổ chức, Việt Nam có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước mùa dịch sắp tới.