Tăng lương cơ sở, liệu có tăng lạm phát?
Nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định chung rằng áp lực lạm phát năm 2024 không phải là quá lớn.
Sáng 3/7, Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính chia sẻ, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%).
Tiến sĩ dự báo, áp lực lạm phát năm nay sẽ không lớn. Ông cho rằng, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần.
"Sẽ không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi" vị Tiến sĩ cho biết.
PGS-TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,7% - 4,2%.
Lý do chính là bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi. Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn thấp, chưa thực sự được phục hồi trong khi năng lực sản xuất để cung hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu tiếp tục được cải thiện.
Hình ảnh tại hội thảo ngày 3/7, nguồn: Internet |
Điểm lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Theo Cục Quản lý giá, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Về cơ bản, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2024, CPI đã quay đầu giảm và xu hướng ổn định kéo dài hết tháng 4/2024 và đến tháng 6/2024.
Các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông…
Cục Quản lý giá dự báo thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.
>>Infographics: Mức lương tối thiểu làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7/2024
Lo ngại lạm phát khi tăng lương
IMF kêu gọi Fed 'kiên nhẫn' để kiềm chế lạm phát, chờ 'bằng chứng rõ ràng' trước khi hạ lãi suất