Trong hoạt động ngành ngân hàng, dữ liệu là cơ sở để ngân hàng phân tích và cá nhân hoá khách hàng, từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất.
Ngân hàng có thể làm gì với dữ liệu?
Trước hết, dữ liệu là nguyên liệu chính của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với bất kỳ nền kinh tế nào, dữ liệu là cơ sở để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới; đóng góp, giúp cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thị trường; Đổi mới và tăng năng suất lao động cũng như các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ có cơ sở để cá nhân hoá sản phẩm, dịch vụ và hiểu sâu sắc về khách hàng.
Có thể nói, dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và là nguồn tài nguyên quý giá thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.
Vai trò dữ liệu với ngành ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng khi đây là cơ sở ngân hàng thực hiện:
Thứ nhất, phân tích và cá nhân hoá khách hàng: Qua thu thập, phân tích lượng lớn thông tin khách hàng (KH) (lịch sử giao dịch, nhân khẩu học, tương tác,…), NH có được những hiểu biết có giá trị về hành vi, sở thích và nhu cầu của KH; từ đó cá nhân hoá các sản phẩm, dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho KH.
Thứ hai, quản lý rủi ro: NH sử dụng dữ liệu để phân tích mức độ tín nhiệm, đánh giá nhu cầu KH và đưa ra quyết định. Bằng cách tận dụng dữ liệu lịch sử và mô hình dự đoán, NH có thể đánh giá khả năng vỡ nợ, quản lý rủi ro tín dụng và cải thiện độ chính xác của đánh giá rủi ro.
Thứ ba, phát hiện gian lận và bảo mật: Nhờ phân tích mẫu, điểm bất thường trong dữ liệu giao dịch, NH có thể xác định các giao dịch đáng ngờ, nỗ lực truy cập trái phép và các vi phạm bảo mật tiềm ẩn. Bằng các kỹ thuật phân tích nâng cao và công nghệ giúp NH giám sát theo thời gian thực và chủ động ngăn chặn gian lận.
Thứ tư, các yêu cầu tuân thủ và quy định: Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nghĩa vụ quy định trong ngành NH. NH được yêu cầu thu thập, lưu trữ và báo cáo một lượng lớn dữ liệu để đảm bảo tuân thủ các quy định về PCRT và nhận biết KH.
Thứ năm, ra quyết định theo thời gian thực: Sự ra đời của công nghệ và phân tích dữ liệu tiên tiến, NH có thể xác định được các rủi ro tiền ẩn, phát hiện gian lận, phản hồi kịp thời thắc mắc của KH; đưa ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn theo thời gian thực, giúp cải thiện sự linh hoạt trong hoạt động, sự hài lòng của KH.
Thứ sáu, phân tích thị trường và cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động: Phân tích dữ liệu giúp NH có đánh giá đúng về xu hướng thị trường, sở thích KH và bối cảnh cạnh tranh, qua đó xác định các cơ hội thị trường mới, các chiến dịch tiếp thị nhằm mục tiêu và tinh chỉnh sản phẩm, dịch vụ, hợp lý hoá quy trình, tối ưu hoá phân bổ nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động tổng thể.
Cơ sở pháp lý của thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, cơ sở pháp lý liên quan dữ liệu có Luật Giao dịch điện tử và Luật các Tổ chức Tín dụng. Ở góc độ Chính phủ, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra có Nghị định 59/2022/NĐ-CP Quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Xác định rõ mục tiêu, định hướng của Đề án 06 và của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế.
Ngành ngân hàng cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, trong đó cho hoạt động TTKDTM, chuyển đổi số ngành ngân hàng liên tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. NHNN tiếp tục tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06; Quy định mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề án phát triển TTKDTM; Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...)
Các kết quả đạt được
Đến nay, các nỗ lực của ngành ngân hàng đã mang đến nhiều đóng góp ở nhiều bình diện.
Về hoàn thiện thể chế chính sách, NHNN đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ Nghị định về TTKDTM trình Chính phủ.
Sửa đổi Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (Thông tư 01/2023/TT-NHNN ngày 01/3/2023); Sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các TCTD để cho phép các TCTD triển khai cho vay qua các phương tiện điện tử thông qua xác thực, định danh khách hàng điện tử.
Ban hành Kế hoạch 01/KHPH-BCA-NHNN triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và NHNN; Ban hành nhiều văn vản chỉ đạo triển khai Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử (Công văn số 7262/NHNN-TT ngày 17/10/2022; Công văn số 1652/CNTT8 ngày 02/11/2022; Công văn số 541/CNTT8 ngày 13/04/2023; Công văn số 540/CNTT8 ngày 13/04/2023,...)
Về phát triển hạ tầng số, ghi nhận hạ tầng thanh toán có hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng kết nối với hệ thống 64 KBNN và tất cả các TCTD trên cả nước, hoạt động ổn định thông suốt an toàn; Doanh số giao dịch 800 nghìn tỷ/ngày (gần 40 tỷ USD).
Hệ thống Chuyển mạch và bù trừ điện tử kết xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện hoạt động 24x7x365, nối với 63 tổ chức thành viên; bình quân xử lý 18 triệu giao dịch/ngày; kết nối thử nghiệm thanh toán QRcode với Thái Lan, Campuchia,...
Hệ thống thông tin tín dụng CIC: kết nối, phủ 125 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.162 Quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô và 54 tổ chức tự nguyện khác. 53 triệu KH, độ bao phủ 72.15% trên dân số trưởng thành. Đặc biệt, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư (CSDLQGvDC) để "làm sạch" hơn 25/51 triệu hồ sơ khách hàng; Khai thác trực tuyến giữa CIC và các TCTD; tỷ lệ tự động hóa đạt 87%.
Hệ thống ngân hàng cũng đã triển khai khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia: Kết nối, khai thác hiệu quả CSDLQGvDC, CCCD gắn chip, tài khoản VNeID, CSDL chuyên ngành khác trong hoạt động ngân hàng, gồm: Định danh, xác thực điện tử; Làm sạch dữ liệu khách hàng; Khai thác dữ liệu đầu vào phục vụ cấp tín dụng giá trị nhỏ (như thuế, bảo hiểm, giấy tờ xe... qua CSDL chuyên ngành hoặc giấy tờ tích hợp trên VNeID)
Về xây dựng triển khai Chính phủ điện tử: Tính đến hết tháng 5/2023, theo dữ liệu của NHNN, đạt 27 Dịch vụ công (DVC) mức độ 4 với Cổng DVC Quốc gia; 100% Kết nối Hệ thống Dịch vụ công NHNN với hệ thống thanh toán Dịch vụ công Quốc Gia, cho phép thanh toán trực tuyến cho 100% dịch vụ hành chính công có thu phí của NHNN; 58 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã được triển khai; 90% Hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa Trụ sở chính và 63 chi nhánh tỉnh, TP được triển khai số hóa; SO 9001:2015 Hoàn thành việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.
Về phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số: Có thể nói đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-money,...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội...
Những định hướng, giải pháp
Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, cụ thể:
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý ngành ngân hàng: Luật các tổ chức tín dụng, Luật các hệ thống thanh toán, Nghị định về TTKDTM, Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực NH (Sandbox), các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số…
Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành khác trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Căn cước công dân,..
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thức hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang sửa Thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng hướng đến nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cấp, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán, phát triển hệ thống thông tin tín dụng quốc gia,..
Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân; Bố trí nguồn lực phục vụ cho TTKDTM.