Không chỉ nâng cao nhận thức toàn xã hội về chuyển đổi số, các yếu tố tạo nền tảng cho cuộc chuyển dịch của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số như thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số... đều đã được thúc đẩy.
Chuyển đổi số Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân, toàn diện
Tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay, câu chuyện thực tế của cô Nông Thị Thuận, 67 tuổi, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng của ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã được chia sẻ. Là giáo viên về hưu, với nghiệp vụ sư phạm tích lũy trong hơn 30 năm, cô đã tận tụy hướng dẫn người dân tại địa phương biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Tôi thấy chuyển đổi số không khó nếu như chúng ta thay đổi nhận thức và thói quen, luôn có tinh thần tự học. Người lớn tuổi cũng có thể chuyển đổi số nếu như được hướng dẫn. Người không biết chữ cũng có thể tham gia chuyển đổi số khi họ được giúp đỡ”, cô Nông Thị Thuận chia sẻ.
Trong suốt thời gian qua và đặc biệt là những ngày tháng 10, tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, cô Nông Thị Thuận cùng hơn 356.900 thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng trên cả nước “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn từng người dân chuyển hoạt động lên môi trường số bằng cách sử dụng các nền tảng số cơ bản, dùng chung.
Tổ chức định kỳ hằng năm Ngày Chuyển đổi số quốc gia và thành lập, duy trì hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng phủ sâu tới từng thôn bản, khu phố là 2 trong rất nhiều sáng kiến đã và đang được Bộ TT&TT chủ trì triển khai để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời từng bước trang bị kỹ năng số cho người dân cả nước, với quan điểm ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’.
Đến nay, theo đánh giá của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương cũng như các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyển đổi số đã len sâu vào đời sống kinh tế xã hội, được mọi người dân nhắc đến. Chuyển đổi số của Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân, toàn diện.
Từ góc độ của một chuyên gia lâu năm, giàu uy tín của ngành TT&TT và vẫn đang tiếp tục theo dõi từng bước phát triển của toàn ngành, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho rằng, một trong những dấu ấn lớn của Bộ TT&TT thời gian qua chính là đã làm thay đổi nhận thức xã hội để từ cấp lãnh đạo đến từng người dân đều biết và nói đến chuyển đổi số.
Theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, làn sóng chuyển đổi số không những đã tạo sự lan tỏa, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, mà hơn thế là người dân tỉnh miền núi biên giới này đã bắt đầu được hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã được các bộ, ngành, tỉnh thành triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Chuyển đổi số đã được thực hiện từ các cấp ngành, lĩnh vực, trong mỗi doanh nghiệp, người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Không khí chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở các cơ quan công quyền, mà ngay cả mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều ý thức đây là vấn đề sống còn. Nhờ vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai rất thuận lợi”, đại biểu Phạm Văn Hoà chia sẻ.
Nêu ví dụ ở tỉnh Đồng Tháp, nơi ông công tác, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, những năm gần đây, cải cách hành chính chủ yếu tập trung vào vấn đề chuyển đổi số, các văn bản, giấy tờ được số hoá, thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh.
“Đây là tiến bộ rất lớn trong công tác cải cách hành chính và của nền công vụ. Thông qua báo cáo hằng năm của Bộ TT&TT cho thấy, chuyển đổi số góp phần tiết kiệm tiền bạc, công sức của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn cho nền công vụ”, ông Phạm Văn Hoà nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhận xét, hiện nay, các địa phương đều đang triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để phục vụ.
“Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế… đang chỉ đạo rất quyết liệt và có cách làm sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số. Với các cấp ngành, chúng ta đang thực hiện rất quyết liệt và có hiệu quả Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu Trương Xuân Cừ đánh giá.
Tạo lập các yếu tố nền móng đưa người dân lên không gian số
Trong các dịp làm việc với Bộ TT&TT hay những kỳ họp Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bộ TT&TT với vai trò là đầu mối điều phối, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia cùng các bộ, ngành, địa phương làm được trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trong phiên họp Ủy ban ngày 12/7 chỉ rõ: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia cũng đã được triển khai tích cực.
Đánh giá Bộ TT&TT đã có bước chuyển mình quan trọng, trong buổi làm việc với Bộ hồi cuối tháng 3/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét đây là một trong những bộ năng động, cả trong bình diện xây dựng thể chế chính sách, phát huy vai trò quản lý nhà nước, cũng như trong thúc đẩy 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của chuyển đổi số quốc gia.
Thực tế, song song với việc nâng cao nhận thức và phổ cập kỹ năng số để đông đảo người dân trên cả nước có thể tham gia vào cuộc chuyển dịch các hoạt động lên môi trường số, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để phát triển các yếu tố nền tảng cho chuyển đổi số như thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng.
Với quan điểm thể chế số phải đi trước một bước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã và đang nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 7 dự án Luật. Cụ thể, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (năm 2022) và Luật Giao dịch điện tử (năm 2023), đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ TT&TT cũng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật trình Chính phủ là Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng mới Luật Công nghiệp công nghệ số và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính năm 2012. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng mới Luật Chính phủ số/Luật Chuyển đổi số.
Cùng với đó, đến nay các văn bản của Nhà nước thể hiện định hướng của Việt Nam trong chuyển đổi số đã khá đủ và rõ ràng. Trong đó, cùng với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số được ban hành tháng 3/2022, đã hoàn thiện tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số theo 3 trụ cột tại Việt Nam.
Hay với hạ tầng số, đến nay tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đã đạt 79,8%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 78,38%. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và băng rộng di động đều tăng qua các năm, hiện đạt 93,66 Mbps với mạng băng rộng cố định và 48,29 Mbps đối với mạng băng rộng di động, đều cao hơn tốc độ trung bình của thế giới. Đặc biệt, đến cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng xóa hơn 2.100 thôn lõm sóng di động.
Không chỉ tập trung tạo lập các yếu tố nền móng để thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Bộ TT&TT đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số triển khai các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Người đứng đầu ngành TT&TT nhiều lần nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các bộ, tỉnh và doanh nghiệp mỗi khi các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Hiện nay, hằng quý Bộ TT&TT đều tổ chức hội nghị giao ban với các đối tượng quản lý, với nội dung chính là lắng nghe các kiến nghị, đề xuất và đưa hướng giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị.
Lãnh đạo nhiều sở TT&TT, doanh nghiệp công nghệ nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Bộ TT&TT. Với các sở TT&TT, theo Giám đốc Sở TT&TT Nam Định Vũ Trọng Quế, không chỉ đồng hành cùng Sở trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành Nghị quyết, Chương trình về chuyển đổi số, lãnh đạo Bộ TT&TT và các đơn vị chức năng còn trực tiếp hỗ trợ các sở trong công tác triển khai các nhiệm vụ. “Bộ TT&TT như là ngôi nhà để các sở TT&TT dựa vào, mọi khó khăn vướng mắc của các sở đều được Bộ kịp thời giải quyết”, ông Vũ Trọng Quế chia sẻ.
Nhận định thời gian qua Bộ TT&TT đã làm được nhiều việc để thúc đẩy sự phát triển của ngành, đại diện một doanh nghiệp công nghệ số cho hay: Nhận thức của mọi người về chuyển đổi số đã nâng cao hơn; nhiều văn bản, hướng dẫn về chuyển đổi số được ban hành; và đặc biệt là các khó khăn của các doanh nghiệp, địa phương được giải quyết nhanh chóng hơn.
Người dân cần được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chuyển đổi số
Trong phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã một lần nữa khẳng định: "Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân, của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng và nhân dân ngày càng được hạnh phúc, ấm no, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trên cơ sở nhận thức rõ chuyển đổi số là cơ hội lịch sử để Việt Nam phát triển thành một nước có thu nhập cao, Bộ TT&TT cũng xác định chặng đường sắp tới việc tổ chức triển khai chuyển đổi số quốc gia phải đi vào thực chất hơn nữa để mang lại nhiều giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Để làm được điều này, bên cạnh việc tiếp tục tập trung vào các yếu tố nền móng cho chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển Chính phủ số hiệu quả để Chính phủ gần dân hơn và dân cũng gần Chính phủ hơn; phát triển kinh tế số hội nhập kinh tế thế giới sâu, rộng để người dân giàu có hơn; và phát triển xã hội số để người dân được thụ hưởng các dịch vụ số, làm cho cuộc sống được hạnh phúc hơn.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, để công tác chuyển đổi số đạt được hiệu quả cần phải có sự quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Còn mỗi cán bộ, đảng viên phải coi chuyển đổi số là nhiệm vụ phải thực hiện. Bên cạnh đó, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực ở các bộ, ngành, tỉnh thành đều phải có chuyên gia CNTT làm công tác đào tạo, hướng dẫn cán bộ, công chức, người lao động.
“Để thu hút chuyên gia giỏi vào cơ quan nhà nước phục vụ công tác chuyển đổi số, chúng ta cần phải có chính sách đặc thù về tiền lương, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến để họ an tâm cống hiến”, đại biểu Phạm Văn Hoà kiến nghị.
Còn đại biểu đoàn Hà Nội Trương Xuân Cừ đánh giá, do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia chưa đồng bộ nên việc liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành, tỉnh thành thưa được thuận lợi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính.
Giải pháp cho vấn đề trên, theo ông Trương Xuân Cừ, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ TT&TT phải tìm chuyên gia giỏi để cải thiện hạ tầng nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng nhận thức của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, công tác chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Chắc chắn, thời gian tới, việc chuyển đổi số quốc gia sẽ tiến nhanh hơn, đạt được mục tiêu chúng ta đề ra”, ông Trương Xuân Cừ kỳ vọng.
Ngành bưu chính cần mở rộng hệ sinh thái để trở thành hạ tầng của kinh tế số
Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính