Doanh nghiệp

Tập đoàn FLC bị nhiều tỉnh nhắc tên vì nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Hoàng Hiếu 20/06/2024 - 21:07

Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa vừa công bố danh sách người nợ thuế, trong đó cái tên Tập đoàn FLC đứng đầu danh sách.

Ngày 20/6, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Tính đến ngày 31/5/2024, theo danh sách có 657 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 844,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) có số nợ lên tới 244,3 tỷ đồng, là doanh nghiệp có số nợ cao nhất trong danh sách nợ thuế.

Riêng khoản tiền nợ thuế của FLC đã chiếm gần 30% tổng số tiền nợ thuế mà Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa công bố.

Ngoài ra, theo danh sách có thêm một số cái tên như: Công ty cổ phần xây dựng Hancorp.2 nợ thuế hơn 38,7 tỷ đồng xếp sau FLC, tiếp đến Công ty cổ phần Phương Anh Sài Gòn nợ thuế hơn 34,1 tỷ đồng, sau đó Công ty cổ phần Xây dựng số 5 nợ thuế hơn 28,9 tỷ đồng và rất nhiều cái tên khác.

Trước đó, ngày 7/6, thông tin từ Chi cục Thuế TP Quy Nhơn cho biết, đơn vị vừa ra các quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với CTCP Tập đoàn FLC (trụ sở TP Hà Nội) do nợ thuế quá 90 ngày.

Theo Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, tổng số tiền FLC bị cưỡng chế thuế trên 133 tỷ đồng. Trong đó có 115 tỷ đồng là tiền thuê đất và 18 tỷ đồng là lãi phát sinh do chậm nộp.

Đầu năm nay, Cục thuế Hà Nội cũng yêu cầu cưỡng chế thuế với FLC bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng gần 90 tỷ đồng và ngừng sử dụng hóa đơn.

Tập đoàn FLC bị nhiều tỉnh nhắc tên vì nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Nhắc tới Tập đoàn FLC người ta nhớ ngay tới cái tên ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT một thời của FLC. Trước khi xảy ra sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết vào năm 2022 để điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu, FLC từng được xem là ông lớn ngành địa ốc với quy mô tài sản hàng tỷ USD.

Sau vụ việc trên, FLC thay đổi một loạt nhân sự cấp cao trong bộ máy Hội đồng quản trị, nhiều dự án của FLC xây dựng vẫn còn dang dở, Tập đoàn cũng đã phải rao bán nhiều dự án để trả nợ.

Tại đại hội cổ đông đầu năm nay, lãnh đạo FLC thừa nhận giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn "vô cùng gian nan, thách thức" khi trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, vấn đề phát sinh liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao.

Năm nay, tập đoàn định hướng tiếp tục tái cấu trúc các khoản vay và định hình lại các lĩnh vực, với ba trụ cột chính là kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án.

Trong bất động sản, tập đoàn này tiếp tục làm 7 dự án tại Thanh Hóa, Hạ Long, Quy Nhơn, Gia Lai và Quảng Bình. Kế hoạch doanh thu mảng này hơn 1.187 tỷ đồng.

>>Ỉm thông tin, Tập đoàn FLC tiếp tục dính án phạt

Ỉm thông tin, Tập đoàn FLC tiếp tục dính án phạt

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 11/6

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-flc-bi-nhieu-tinh-nhac-ten-vi-no-thue-hang-tram-ty-dong-239429.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn FLC bị nhiều tỉnh nhắc tên vì nợ thuế hàng trăm tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH