Kết thúc mùa báo cáo tài chính quý III/2021, tuy không đến mức thua lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp lại ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh. Một trong số đó là Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Kết thúc mùa báo cáo tài chính quý III/2021, tuy không đến mức thua lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp lại ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu thuần của Thực phẩm Bích Chi (HNX: BCF) giảm 60%, còn gần 65 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 73% còn hơn 13 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng vì vậy giảm từ 30% xuống mức 21%.
Mặc dù chi phí vận hành đã được tiết giảm đáng kể nhưng với lợi nhuận gộp co rút mạnh, lợi nhuận ròng của BCF giảm đến 99% so với cùng kỳ năm trước, còn vỏn vẹn gần 377 triệu đồng.
Theo BCF, kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh là do công ty phải thực hiện cách ly y tế theo quyết định của UBND TP. Sa Đéc nên hoạt động kinh doanh đã bị tạm dừng 14 ngày từ ngày 27/07, dẫn đến kết quả lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng.
Nguồn: VietstockFinance
Tương tự, Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) cũng nằm top đầu những doanh nghiệp có kết quả lãi ròng sụt giảm mạnh nhất trong quý III/2021.
Cụ thể, FLC ghi nhận doanh thu quý III giảm mạnh 58% xuống còn 1.455 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19, Hà Nội và nhiều tỉnh thành bị giãn cách xã hội trong thời gian dài nên ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh của công ty, đặc biệt là lĩnh vực hàng không và khách sạn làm doanh thu Công ty giảm mạnh.
Khấu trừ giá vốn, FLC thu về 144 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 327 hồi quý III/2020. Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh từ mức 1.317 tỷ xuống còn 271 tỷ đồng. Cụ thể, dù lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng gấp đôi lên 352 tỷ đồng, tuy nhiên khoản doanh thu tài chính khác giảm mạnh từ mức 1.573 tỷ chỉ còn 667 tỷ đồng.
Ngoài ra, FLC còn ghi nhận khoản lỗ hơn 194 tỷ đồng từ công ty liên kết. Khấu trừ, FLC lãi sau thuế 5,6 tỷ đồng - giảm đến 99% so với quý III năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu FLC giảm 43% xuống còn 5.694 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh đồng thời công ty cũng tiết giảm đáng kể các chi phí bán hàng, quản lý. Theo đó, công ty có lợi nhuận sau thuế 69 tỷ, trong khi 9 tháng đầu năm ngoái lỗ đến 2.213 tỷ đồng; lãi ròng thu về hơn 73,5 tỷ đồng.
Năm 2021, FLC đặt kế hoạch doanh thu 15.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào mức 880 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng Công ty đã lần lượt thực hiện được 37% chỉ tiêu doanh thu và gần 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản FLC vào mức 33.106 tỷ đồng - giảm hơn 12% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền của Công ty giảm đáng kể, từ mức 1.215 tỷ xuống còn 145 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty tăng dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán.
Chi tiết, giá trị đầu tư chứng khoán tăng từ mức 3,7 tỷ đầu kỳ lên gần 265 tỷ đồng, danh mục là các mã trong cùng hệ sinh thái FLC. Cụ thể, FLC đang rót tỷ trọng nhiều nhất với mã HAI với giá trị 261 tỷ đồng, hiện khoản đầu tư này đang được trích lập dự phòng hơn 161 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT FLC công bố kế hoạch phát hành gần 497 triệu cổ phiếu mới và chào bán cho cổ đông với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công bán được toàn bộ theo kế hoạch, FLC có thể thu về số tiền xấp xỉ 4.970 tỷ đồng. Theo đó, lượng cổ phần niêm yết sẽ vượt mức 1,2 tỷ đơn vị; vốn điều lệ của FLC dự kiến tăng từ gần 7.100 tỷ đồng lên gần 12.070 tỷ đồng.
Dù kinh doanh giảm sút song trên thị trường, cổ phiếu FLC đã ghi nhận mức tăng mạnh gấp hơn 3 lần mức giá 5.xxx đồng từ đầu năm. Mã cũng ghi nhận tăng mạnh từ mức 11.xxx đồng lên trên 16.000 đồng trong 2 tháng trở lại đây. Hiện cổ phiếu FLC đang đứng mức 15.9xx đồng (phiên sáng 22/11) với hơn 25 triệu đơn vị khớp lệnh.