Tập đoàn Lộc Trời: Mang loạt ô tô đi thế chấp ngân hàng, nợ vay tăng "phi mã"
Kết thúc 9 tháng năm 2023, tình hình tài chính của Lộc Trời đang gặp nhiều khó khăn, khi nợ vay tăng nhanh, đi kèm với đó là lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tình hình tài chính của Tập đoàn Lộc Trời đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ) |
Vừa qua, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời vừa chính thức xác lập 3 kỷ lục Việt Nam, do tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận và công bố tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Cụ thể, các kỷ lục vừa được xác lập bao gồm, Doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận SRP 100 trong 4 năm liên tiếp từ 2020 đến 2023 về áp dụng tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP, Doanh nghiệp có số lượng huấn luyện viên SRP (SRP Authorized Trainer) nhiều nhất Việt Nam (125 người) và Doanh nghiệp có tổng diện tích vùng liên kết sản xuất lúa năm 2024 lớn nhất Việt Nam (256.000 ha).
Những kỷ lục này là những dấu ấn ghi nhận nỗ lực của đội ngũ người Lộc Trời trong hành trình thực hiện sứ mệnh "Cùng nông dân phát triển bền vững" của tập đoàn trong suốt 30 năm vừa qua.
Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tình hình tài chính của Lộc Trời đang gặp nhiều khó khăn, khi nợ vay tăng nhanh, đi kèm với đó là lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tập đoàn Lộc Trời, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2023 đạt 10.249 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng đến 29%, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 9% (cùng kỳ là 16%).
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính Tập đoàn Lộc Trời đạt 116 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí tài chính đạt 647 tỷ đồng, tăng thêm 119%; chi phí bán hàng gần 453 tỷ đồng, giảm 24%; chi phí quản lí doanh nghiệp xấp xỉ 294 tỷ đồng, tăng 1%.
Kết quả Tập đoàn Lộc Trời báo lãi sau thuế vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm đến 92% so với 9 tháng đầu năm 2022. Với kế hoạch năm là 400 tỷ lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 4% mục tiêu 2023.
Bên cạnh lợi nhuận lao dốc, nợ vay tại Tập đoàn Lộc Trời cũng tăng mạnh sau 9 tháng. Theo đó, tại ngày 1/1/2023, nợ vay tài chính khoảng 3.847 tỷ đồng, thế nhưng tại ngày 30/9/2023, nợ vay tài chính công ty đã lên đến 7.561 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 3.714 tỷ đồng chỉ sau 3 quý đầu năm 2023.
Đáng chú ý rằng, các khoản nợ vay ngắn hạn của Lộc Trời chủ yếu là vay tín chấp, với lãi suất có khoản vay lên đến 11,5%.
Nợ vay tăng nhanh, khiến chi phí lãi vay phình to, là nguyên nhân chính ăn mòn lợi nhuận Tập đoàn Lộc Trời trong 9 tháng vừa qua, bất chấp doanh thu tăng mạnh. Được biết, 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời phải dành đến 438 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, trong khi cùng kì là 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước đó trong năm 2022, thông tin trên Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho thấy, doanh nghiệp này đã đưa loạt ô tô, làm tài sản đảm bảo để thế chấp cho các giao dịch tín dụng của mình tại Công ty cho thuê tài chính.
Đơn cử, trong tháng 10.2022, Lộc Trời đã đem 4 xe ô tô con, thương hiệu For để thế chấp tại Công Ty Cho Thuê Tài Chính TNHH MTV Quốc Tế CHAILEASE.
Trước đó vào tháng 3 năm 2022, 15 Xe ô tô đầu kéo hiệu CNHTC, số loại ZZ4257N3247Q1B, mới 100%, sản xuất 2021/2022, nhập khẩu nguyên chiếc từ và 15 Sơ mi rơ moóc tải có mui, hiệu JUN YU GUANG LI, mới 100%, sản xuất năm 2021/2022, nhập khẩu nguyên chiếc cũng trở thành tài sản bảo đảm cho giao dịch tín dụng của Lộc Trời và Công Ty TNHH Cho Thuê Tài Chính Quốc Tế Việt Nam…
Ngân hàng Hà Lan muốn tài trợ 2.100 tỷ đồng tín dụng cho ông lớn gạo Lộc Trời (TLG)