Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường kém khả quan khi doanh nghiệp lỗ sau thuế hai liên tiếp, bất chấp doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Tập đoàn Nam Cường xin điều chỉnh cục bộ lô đất từ 5 tầng lên 17 tầng
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã có đề xuất với UBND tỉnh về việc cho chủ trương điều chỉnh cục bộ lô đất từ 5 tầng (theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Văn đã được UBND tỉnh phê duyệt, vị trí đề xuất dự án được quy hoạch là đất dịch vụ du lịch với tối đa 5 tầng) lên 17 tầng để phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm kiến trúc cảnh quan của thị trấn.
Trước đó, năm 2021 tập đoàn Nam Cường là đơn vị trúng đấu giá lô đất nhà công vụ (cũ) của UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) với mục tiêu đầu tư xây dựng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao với 17 tầng. Hiện tập đoàn còn khó khăn, vướng mắc trong triển khai bước lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư.
Đồng thời, Tập đoàn Nam Cường đề xuất UBND tỉnh Hà Giang thu hồi, giải phóng mặt bằng đất khu đồi hoa Sở thuộc thị trấn Đồng Văn giao tập đoàn triển khai lập quy hoạch, đầu tư xây dựng khu resort 5 sao.
Đề xuất quy hoạch, xây dựng bến thuyền tại thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn; khai thác, quản lý, vận hành toàn bộ mặt nước sông Nho Quế từ điểm bến thuyền thôn Bản Mồ đến thủy điện sông Nho Quế 1 phục vụ mục tiêu phát triển du lịch; đề xuất đầu tư xây dựng chợ Đồng Văn tại vị trí mới và quy hoạch, xây dựng, khai thác khu chợ cũ làm điểm nhấn phục vụ thương mại, văn hóa, du lịch theo hình thức xã hội hóa. Đề xuất quy hoạch, xây dựng, quản lý, khai thác 1 bến xe động, 2 bến xe tĩnh tại khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn theo hình thức xã hội hóa...
Liên quan đến những đề xuất này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã giao huyện Đồng Văn, Tập đoàn Nam Cường, các ban, ngành liên quan nghiên cứu hồ sơ đề xuất lập điều chỉnh quy hoạch; rà soát, tích hợp các đồ án quy hoạch để làm căn cứ triển khai thực hiện..
Như vậy, sau khi có mặt tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương.. Tập đoàn Nam Cường tiếp tục vươn “sải tay” dài mở rộng quỹ đất, đầu tư lên các tỉnh biên giới Tây Bắc.
Loạt dự án vướng “tai tiếng” của Tập đoàn Nam Cường
Tập đoàn Nam Cường được biết đến như một “ông lớn” trong ngành bất động sản phía Bắc, khi sở hữu nhiều dự án với quỹ đất khủng. Đơn cử, tại Hà Nội Tập đoàn Nam Cường là Chủ đầu tư phát triển hàng loạt những dự án Bất động sản tầm cỡ khu vực phía tây Thủ đô như khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Đô Nghĩa, khu đô thị Phùng Khoang, khu đô thị mới Cổ Nhuế, …
Tuy nhiên, đa phần các dự án với sự có mặt của Tập đoàn Nam Cường đều vướng những lùm xùm về mặt triển khai tiến độ. Trước đó, năm 2021, Thành phố Hà Nội đã “tuýt còi” hàng loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường, đáng kể như chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế.
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất. Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Đồng thời kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư...
Bên cạnh đó, Tập đoàn Nam Cường cũng được biết đến với lùm xùm xây thừa 500 căn biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
Đôi nét về Tập đoàn Nam Cường
Được biết, tiền thân Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984.
Đến năm 1994, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty TNHH Nam Cường. Đến năm 1998, đổi tên thành Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường, điều chỉnh vốn điều lệ lên 595 tỷ đồng và nâng lên đạt mức 1.111 tỷ đồng vào năm 2005.
Năm 2009, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ Tập đoàn Nam Cường đạt 4.500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm bà Lê Thị Thúy Ngà sở hữu 94%, bà Trần Thị Ngọc Quỳnh sở hữu 3% và bà Trần Thị Quế Ngọc sở hữu 3% còn lại.
Tại bản công bố thông tin mới đây nhất ngày 2/11/2021, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp là ông Trần Văn Nghĩa (SN 1970). Địa chỉ trụ sở chính tại Lô 24, đường Đông A, Khu đô thị mới Hòa Vượng, phường Lộc Hòa, TP Nam Định.
Kinh doanh tụt dốc, nợ người lao động tăng cao
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản Tập đoàn Nam Cường (công ty mẹ) đạt 4.537 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng chỉ sau 12 tháng.
Phần biến động này đến từ khoản mục phải thu nội bộ ngắn hạn giảm từ 2.558 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 505 tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn hơn 1.495 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 4% so với đầu năm. Chiếm phần lớn tại Dự án khu ĐTM Mỹ Trung, TP Nam Định với 1.029 tỷ đồng; Dự án KĐTM Hòa Vượng, TP Nam Định 234 tỷ đồng; Dự án KĐTM Thống Nhất, TP Nam Định 228 tỷ đồng..
Nợ phải trả Tập đoàn Nam Cường còn 947 tỷ đồng, giảm 31%. Trong đó, nợ vay tài chính có hơn 636 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nợ phải trả doang nghiệp.
Đáng chú ý, khoản mục phải trả người lao động tăng 13 lần trong năm 2021, từ 348 triệu đồng lên gần 4,6 tỷ đồng.
Chưa kể, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường kém khả quan khi doanh nghiệp lỗ sau thuế hai năm liên tiếp, bất chấp doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, kết thúc năm 2021, doanh thu Tập đoàn Nam Cường (công ty mẹ) đạt 144 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2020. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 5 tỷ đồng.