Vị Phó Chủ tịch trẻ tuổi của bất động sản Nam Cường có đời tư vô cùng kín đáo.
Nói về những ái nữ nổi tiếng của các doanh nghiệp bất động sản, Trần Thị Quỳnh Ngọc - con gái duy nhất của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm Tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà thường được nhắc đến là một tiểu thư quyền lực, kín tiếng.
Là người thừa kế của một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, song thông tin về nhân vật này khá khiêm tốn. Trần Thị Quỳnh Ngọc nổi tiếng khi trở thành Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20. Tuy vậy, vị tiểu thư này lại rất ít xuất hiện trước công chúng, trừ một số dịp đặc biệt hay sự kiện của doanh nghiệp.
Trần Thị Quỳnh Ngọc |
Trần Thị Quỳnh Ngọc sinh năm 1990 và có 8 năm tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế. Cô được biết đến là một người yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật và những hoạt động xã hội. Nhưng dưới những lời khuyên và sự ảnh hưởng từ bố, Quỳnh Ngọc đã chọn đi theo con đường bất động sản.
"Trước khi được chọn để theo nghiệp kinh doanh này, tôi cũng có thắc mắc hỏi bố rằng: Kinh doanh khô khan quá. Con thích cái gì nghệ thuật hơn. Nếu chọn, con sẽ làm các hoạt động xã hội như giáo dục, văn hóa mang lại giá trị cho cộng đồng nhiều hơn là làm kinh doanh. Nó khốc liệt quá.
Bố tôi nói với con gái: "Kinh doanh cũng là một loại nghệ thuật và quản trị được một doanh nghiệp là nghệ thuật đỉnh cao". Vì câu nói đó mà suốt cả cuộc đời này tôi sẽ đi tìm câu trả lời", Ngọc từng chia sẻ.
Đầu năm 2013, với vai trò là Trưởng Ban biên tập, Quỳnh Ngọc và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Nam Cường đã cùng nhau cho ra mắt tập san nội bộ của doanh nghiệp này mang tên Nam Cường Túy.
Năm 2014, cô được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường sở hữu 11,11% cổ phần - có giá trị xấp xỉ 500 tỷ đồng. Tại lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 12/2016, Nam Cường có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Lê Thị Thúy Ngà sở hữu đến 94% (2.115 tỷ đồng) và Quỳnh Ngọc nắm 3% (67,5 tỷ đồng).
Tháng 4/2014, doanh nghiệp của bà Ngà lọt top 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, theo Forbes Việt Nam. Cũng trong năm này, bà Ngà được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng".
Cơ ngơi bất động sản nghìn tỷ
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, hệ thống bất động sản Nam Cường của bà Ngà đã được thành hình với sự ra đời và phát triển đa dạng về các loại hình nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành khác nhau như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Phú Quốc hay Hải Phòng.
Quy mô các dự án của Tập đoàn Nam Cường |
Tại Hà Nội, bên cạnh KĐT Dương Nội, Hà Đông 197ha, Nam Cường còn sở hữu các dự án lớn gồm KĐTM Cổ Nhuế (17,6ha, quận Bắc Từ Liêm) với hàng nghìn căn hộ chung cư. Tập đoàn này ghi dấu ấn trên thị trường năm 2010 bởi những căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng, đem lại cơ hội có nhà ở cho các gia đình trẻ chưa có nhiều tiền tích lũy.
Tại Nam Định, Nam Cường đầu tư ba dự án, gồm KĐT Hòa Vượng (55,4ha); KĐT Thống Nhất (63,9 ha) và KĐT Mỹ Trung (191,5ha). Tất cả các dự án đều đã hoàn thành và bàn giao.
Tại Hải Dương, doanh nghiệp cũng đã triển khai hai dự án lớn, bao gồm Khu văn hóa thể thao - đô thị mới phía Đông TP Hải Dương (138ha) và Khu thương mại - du lịch - đô thị phía Tây TP. Hải Dương (595 ha).
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có các dự án như Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang (32,32ha), cùng hàng loạt khách sạn, như Khách sạn Nam Cường Hải Phòng, Khách sạn Nam Cường Nam Định, Khách sạn và Resort Nam Cường Đồ Sơn (TP. Hải Phòng), Khách sạn Nam Cường Dương Nội, Khách sạn Nam Cường Hải Dương hay Khách sạn Nam Cường Phú Quốc.
Bên cạnh lĩnh vực mũi nhọn là địa ốc, Nam Cường cũng tham gia đầu tư BOT giao thông khi góp 55% vốn tại Công ty TNHH BOT Đường 188 – chủ đầu tư dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh), tổng chiều dài 14,74km.
Công viên Thiên văn học ngoài trời đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được khởi công vào tháng 7/2017 tại KĐT Dương Nội, với tổng diện tích là 12ha, trong đó diện tích mặt nước là 6ha. Dự án nằm ở nút giao giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và Lê Quang Đạo kéo dài.
Ngoài ra, Nam Cường còn tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế khi cho ra đời CTCP Bệnh viện Quốc tế Nam Cường hay lĩnh vực giáo dục với CTCP Giáo dục MG và CTCP Giáo dục NT, tuy nhiên cả hai doanh nghiệp này đều đã ngừng hoạt động.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội vừa công bố, khoản lợi nhuận sau thuế đạt hơn 194,5 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 9,2% về còn 2,5%.
Tình hình kinh doanh Tập đoàn Nam Cường |
Tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu gần 7.888 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 3.250 tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu còn gần 338 tỷ đồng. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp bất động sản khác có mức nợ trái phiếu gấp hàng chục lần tỷ lệ của Nam Cường. Dường như quyết định không sử dụng đòn bẩy tài chính là một trong những yếu tố giúp Nam Cường vượt qua sóng gió nợ nần BĐS.
Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 11.100 tỷ đồng, tương đương một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Văn Phú Invest (VPI), BĐS An Gia (AGG).
> > Những "nữ tướng" nghìn tỷ ngành địa ốc đáng phải nể phục