Tập đoàn triệu tỷ duy nhất của Việt Nam mang về cho ngân sách 66.500 tỷ trong nửa đầu năm
Tập đoàn này hiện xếp thứ 11 trong Top các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đã công bố kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 510 nghìn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 310 nghìn tỷ đồng – đều tăng so với cùng kỳ năm 2024. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 66,5 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư cũng khởi sắc khi giá trị giải ngân nửa đầu năm đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ. Công tác tiết kiệm, chống lãng phí giúp tiết giảm 3.528 tỷ đồng, tương đương 84,4% kế hoạch năm, gấp gần 3 lần mức thực hiện cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực thăm dò – khai thác, Tập đoàn gia tăng trữ lượng ước tính đạt 1 triệu tấn quy dầu. Đáng chú ý, mỏ Đại Hùng pha 3 đã được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 7/5, sớm hơn kế hoạch hiệu chỉnh 20 ngày, với sản lượng hơn 6.900 thùng/ngày. Ngoài ra, Petrovietnam cũng đã ký kết 2 hợp đồng chia sản phẩm (PSC) mới – đánh dấu sự trở lại sau một thời gian dài không có hợp đồng dầu khí được ký mới.
![]() |
Petrovietnam ước đạt doanh thu 510 nghìn tỷ đồng sau 6 tháng |
Nhiều chỉ tiêu chủ lực trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan: sản lượng khai thác dầu đạt 4,82 triệu tấn, khí đạt 2,99 tỷ m³; sản xuất điện đạt 16,65 tỷ kWh (tăng 8%); sản lượng urê vượt kế hoạch, đạt 950,2 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu (chưa tính NSRP) đạt 3,78 triệu tấn – tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Petrovietnam hiện xếp thứ 11 trong Top các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, giữ vững vị trí số 1 Việt Nam. Năm 2024, bất chấp nhiều thách thức toàn cầu, Tập đoàn đã vượt 6–27% các chỉ tiêu kế hoạch, trở thành doanh nghiệp đầu tiên có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách 165.600 tỷ đồng và đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng (tăng 49%).
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thành chỉ tiêu khai thác dầu, giữ vững đà tăng trưởng doanh thu, đảm bảo đóng góp ngân sách. Tập đoàn sẽ đẩy mạnh kết nối chuỗi khí – điện, phát triển thị trường khí ngoài điện, hoàn thiện cơ chế tiêu thụ khí linh hoạt và mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Hùng nhấn mạnh, Petrovietnam sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu dài hạn bằng cách xây dựng mô hình kinh tế phù hợp cho từng lĩnh vực, gắn liền với chiến lược phát triển tổng thể của Tập đoàn – như một sự tiếp nối khát vọng của các thế hệ ngành dầu khí.
>>Siêu dự án nhiệt điện lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ dự kiến thu về gần 14.000 tỷ đồng