Tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp
Vấn đề lao động việc làm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư cho phát triển nông nghiệp... là những nội dung lớn, thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường, diễn ra vào sáng 1/11.
Một số kiến đại biểu nhận định, bước vào năm 2023, mặc dù nước ta đã rất chủ động dự báo, phân tích tình hình, nhưng những tác động tiêu cực đến từ những diến biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới tác động đến nước ta có mặt chưa lường hết được.
Song, vượt lên những khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, khá toàn diện. Nổi bật là nước ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đây là một trong những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá, nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt kết quả khả quan, là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, hướng mạnh vào đầu tư các ngành, các lĩnh vực trọng điểm, kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số…
Thu hút nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp
Khẳng định đồng tình với báo cáo của Chính phủ đánh giá khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhận định, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chưa tương xứng, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hết; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc "được mùa - mất giá" và nhiều đợt "giải cứu nông sản" như thời gian qua.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân; tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt bài toán về quy hoạch trong nông nghiệp; đề nghị ngành ngân hàng có các chính sách hiệu quả đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, dành ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để hóa giải những thách thức mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp phải, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Theo đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được quan tâm, ban hành mới, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp còn chưa được giải quyết, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ công việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistics, quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh của các nguồn lực đầu tư cho hai lĩnh vực này.
Dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhận định, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, trong đó tổng cầu thấp; tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra; áp lực tỷ giá, lạm phát lớn... Trước những khó khăn này, đại biểu cho rằng, chúng ta có dư địa trong bội chi, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân được rất ít, còn dư nhiều; do đó nên sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.
Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, đại biểu Trần Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Vì vậy, để kích cầu nền kinh tế, nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, hiện chương trình tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Thực hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) nêu thực trạng, thời gian qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên, số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm.
Trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều người lao động, như giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện… Đại biểu nhận định, số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững, vì vậy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch; tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm việc làm phù hợp.
Cần đánh giá sâu hơn tác động của việc giảm số lượng việc làm, nhất là với những ngành có lực lượng lao động đông, lao động trẻ. Đồng thời, thực hiệu quả đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cần đa dạng hóa, hợp lý hóa cơ cấu ngành nghề, đa dạng hóa phương thức tổ chức, chương trình dạy nghề nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học tập.
Ở góc độ khác trong vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho hay, thực tế thời gian qua, việc thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.