Xã hội

Khai thác khoáng sản xong DN 'đòi' phá sản, để lại đồng ruộng bị xé toạc

Hồ Giáp 18/05/2025 08:30

Sau nhiều năm khai thác đất sét, doanh nghiệp rút toàn bộ máy móc, dừng hoạt động nhưng chưa hoàn thổ, rồi tuyên bố đã phá sản. Đồng ruộng của dân nay trở nên tan hoang, đất bị xé toạc thành từng mảng lớn.

Thời gian qua, người dân thôn An Châu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) liên tục phản ánh về tình trạng sạt lở, xói mòn đất nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị mất trắng hoặc không thể tiếp tục canh tác.

Theo người dân, khu vực xảy ra sạt lở trước đây từng được cấp phép cho Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng khai thác đất.

Thời gian đầu, doanh nghiệp có hỗ trợ vụ mùa cho các hộ bị ảnh hưởng. Đến năm 2023, công ty rút toàn bộ máy móc, dừng hoạt động nhưng chưa hoàn thổ, chưa hoàn trả đường dân sinh, cũng không có biện pháp khắc phục hiện trạng để người dân có đất canh tác.

W-sat lo4.jpg
Tình trạng sạt lở khiến nhiều diện tích đất của người dân bị ảnh hưởng. Ảnh: H.G

Ông Nguyễn Phan Bốn, trưởng thôn An Châu cho biết, năm 2005, Công ty Hiệp Đại Hưng vào khai thác đất sét tại thôn. Trong thời gian khai thác, công ty cũng có hỗ trợ vụ mùa cho người dân. Tuy nhiên đến năm 2022 thì khoản hỗ trợ này đã bị “cắt” cho đến khi công ty ngừng khai thác.

Cũng theo ông Bốn, ruộng lúa của người dân phải bỏ hoang lâu nay, không thể canh tác. Đã có gần 20 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 13/5, khu vực từng là cánh đồng lúa xanh tốt ở thôn An Châu nay trở nên tan hoang, đất bị xé toạc thành từng mảng lớn sau nhiều đợt mưa.

Mặt ruộng bị cắt xé tạo thành hàm ếch, đất màu bị rửa trôi hoàn toàn, lộ ra tầng đất đá cằn cỗi phía dưới. Nhiều điểm xuất hiện các hố sâu quá đầu người, miệng hố rộng hàng chục mét vuông.

Các tuyến dẫn nước phục vụ sản xuất trước đây cũng bị sạt đứt, ruộng đồng không thể canh tác, nhiều diện tích bị bỏ hoang. Người dân cho biết tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được xử lý.

W-sat lo2.JPG.jpg
Người dân mất đất sản xuất, không thể canh tác khi doanh nghiệp chưa hoàn thổ. Ảnh: H.G

Trưởng thôn Nguyễn Phan Bốn chia sẻ: “Trước đây, khu vực này là ruộng trồng lúa, canh tác ổn định. Nay cả cánh đồng biến dạng, đường dẫn nước bị chia cắt, ruộng không thể gieo cấy. Người dân không còn đất sản xuất, mùa vụ bỏ trống”.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, ông Bốn còn lo ngại về nguy cơ sạt lở lấn đến đường dây 500kV gần đó.

Không thể lấy khoáng sản xong, đến lúc thực hiện các nghĩa vụ thì không làm

Tháng 1/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là sở Nông nghiệp và Môi trường) TP Đà Nẵng đã có trả lời ý kiến cử tri huyện Hòa Vang liên quan đến tình trạng sạt lở tại khu vực này.

Sở này cho biết, Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng đã nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đất sét tại thôn An Châu. Tuy nhiên, sau khi tổ chức họp thẩm định ngày 17/9/2024, Sở đã yêu cầu công ty chỉnh sửa, bổ sung đề án.

Đồng thời, Sở đã có nhiều văn bản đôn đốc công ty khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ và thực hiện các giải pháp cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại khu vực mỏ đất sét thôn An Châu, sau khai thác khoáng sản.

Đến đầu tháng 12/2024, công ty gửi văn bản phúc đáp cho biết “công ty đã phá sản và hiện nay công ty đang làm thủ tục phá sản”. Trong khi đó, công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về hoàn thổ, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định pháp luật.

W-sat lo6.jpg
Những vạt đất hoang hóa, đất màu bị rửa trôi hoàn toàn. Ảnh: H.G

Trước tình hình đó, Sở TNMT đã đề nghị Sở Tài chính phối hợp ngăn chặn việc doanh nghiệp đề nghị giải thể, nhằm buộc công ty hoàn tất các nghĩa vụ liên quan trước khi kết thúc tư cách pháp nhân.

Sở cũng cho biết thêm sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để yêu cầu công ty thực hiện trách nhiệm đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác khoáng sản.

Tại buổi tiếp xúc cử tri cuối tháng 4 vừa qua, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra, Công ty Hiệp Đại Hưng chưa đảm bảo được các yêu cầu thực hiện bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, tái tạo mặt bằng và hỗ trợ các chính sách cho người dân. Thành phố đã chỉ đạo không chấp thuận giải thể doanh nghiệp khi chưa hoàn thành trách nhiệm.

W-sat lo1.JPG.jpg
Mặt ruộng bị cắt xé tạo thành hàm ếch sát chân trụ điện. Ảnh: H.G

Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng cho biết, sẽ yêu cầu Sở NNMT làm việc với công ty này. Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ để sớm đảm bảo tất cả các quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo ông Cường, nếu doanh nghiệp này không thực hiện, về sau sẽ không được tham gia tất cả các dự án liên quan đến khai thác cũng như khoáng sản trên địa bàn.

“Không thể có chuyện khai thác, lấy khoáng sản xong, được lợi ích rồi đến lúc cuối cùng thực hiện các nghĩa vụ thì không làm. Vấn đề này tôi sẽ có chỉ đạo và trả lời sớm với người dân”, ông Cường nhấn mạnh.

>> Phó Thủ tướng: Không đấu giá khai thác một số mỏ khoáng sản tại Lào Cai

Việt Nam sắp có dự án tổ hợp khai thác khoáng sản gần 23.000 tỷ, tọa lạc tại tỉnh lớn nhất Đông Nam Bộ

Phát hiện nhiều vi phạm khai thác khoáng sản ở Thanh Hóa

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khai-thac-khoang-san-xong-dn-doi-pha-san-de-lai-dong-ruong-bi-xe-toac-2400763.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khai thác khoáng sản xong DN 'đòi' phá sản, để lại đồng ruộng bị xé toạc
    POWERED BY ONECMS & INTECH