'Tay chơi liều lĩnh' Lê Hồng Minh: Nghiệp chơi, làm game đỉnh cao đến 'khúc cua gấp'
Ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, từng là chủ tịch và CEO kỳ lân công nghệ CTCP VNG (Vinagame) với nhiều sản phẩm: mạng xã hội Zalo, ví ZaloPay, loạt tựa game đình đám Võ Lâm Truyền Kỳ...
Trong bài viết “Tôi chơi và làm game online” hồi cuối năm 2006 được chia sẻ lại trước dịp sinh nhật 20 năm của VNG, ông Lê Hồng Minh nhắc đến “sự nghiệp” chơi game đáng nhớ, sự liều lĩnh khi bắt đầu làm game online năm 2004 với Vinagame trước khi gây dựng lên kỳ lân công nghệ VNG trị giá tỷ USD.
Dù vậy, trước khi gặt hái thành quả từ game online, ông Minh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là "vực sâu" từ những áp lực dư luận.
Rời vị trí CEO trước sinh nhật VNG 20 năm
Tối muộn 6/9, CTCP VNG (tiền thân là Vinagame) bất ngờ công bố ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG, đảm nhiệm chức vụ quyền tổng giám đốc.
VNG cho hay việc bổ nhiệm ông Kelly Wong nhằm đảm bảo các hoạt động của VNG tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả. Ban giám đốc VNG sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly trên cương vị mới.
Trong khi đó, thông cáo không nhắc đến ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập kiêm CEO VNG gần 20 năm. Cũng không nhắc lý do thay đổi tổng giám đốc và công việc hiện tại và sắp tới của ông Lê Hồng Minh. Ông rời vị trí CEO của VNG khi chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty, 9/9/2024.
Ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, giữ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Trước khi bán bớt khoảng 3,4% cổ phần VNG cho Công ty BigV hồi tháng 8/2023, ông Minh nắm gần 12,3% cổ phần VNG.
Trước đó, đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời vị trí chủ tịch VNG, để lại ghế đó cho ông Võ Sỹ Nhân và chỉ đảm nhiệm chức tổng giám đốc.
VNG được thành lập năm 2004, tên ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (VinaGame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua nhiều lần tăng vốn, quy mô vốn của VNG lên hàng trăm tỷ đồng. Sau 2 thập kỷ, VNG đã trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, có lúc được định giá hơn 2 tỷ USD.
Cổ phiếu VNZ lên sàn Upcom từ đầu năm 2023, rồi vụt tăng lên hơn 1,56 triệu đồng/cp hồi giữa tháng 2/2023 và hiện ở mức 480.000 đồng/cp. Vốn hóa đỉnh cao của VNZ là 2,3 tỷ USD và nay còn hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Bứt phá từ 'sự nghiệp' chơi game, làm game 'liều lĩnh'
Chia sẻ trong bài viết hồi cuối năm 2006, ông Lê Hồng Minh cho hay “tôi chơi và làm game online” trong bối cảnh game online chịu nhiều áp lực và định kiến từ dư luận.
Nhưng game cũng là nền móng để ông Minh trở thành nhà sáng lập công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam cùng sứ mệnh “dùng Internet thay đổi cuộc sống người Việt Nam” của VNG sau này.
Sau 20 năm phát triển, VNG đã trở thành một tập đoàn toàn cầu với hơn 4.000 thành viên đến từ hàng chục quốc gia.
Trước khi gây dựng VNG, ông Lê Hồng Minh (SN 1977) tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash, Úc và về nước năm 2001. Ông làm việc cho Công ty kiểm toán PWC, sau đó chuyển sang làm việc tại VinaCapital.
Là một game thủ nghiện chơi game từ hồi sinh viên, ông Minh mở quán game có các dịch vụ kinh doanh đi kèm. Sau một thời gian, ông bỏ VinaCapital và thành lập VinaGame, mang những tựa game lớn về Việt Nam, trong đó có “Võ Lâm Truyền Kỳ” hồi năm 2004.
Cuối năm 2002, ông Lê Hồng Minh dẫn đoàn Việt Nam tham gia Thế vận hội Thể thao Điện tử - World Cyber Game (WCG), dù thua te tua nhưng đây là một sự kiện rất quan trọng đối với game thủ này.
Tháng 11/2004, dù mới thành lập được 2 tháng, VinaGame của ông Lê Hồng Minh đã ký hợp đồng phát hành Võ Lâm Truyền Kỳ với KingSoft. Doanh nghiệp có 5 thành viên chính thức, chưa có văn phòng làm việc, chưa có cả... tài khoản ngân hàng. Đây được xem là thời điểm “liều lĩnh” của game thủ này.
Chỉ khoảng 6 tháng sau đó, sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ đã có 1 triệu thành viên, mang lại lợi nhuận và danh tiếng lớn cho VinaGame.
Từ vài máy chủ, sau 2 năm, VinaGame trở thành doanh nghiệp lớn nhất thị trường game online tại Việt Nam, vận hành 3 trò chơi với gần 1.000 máy chủ và hàng trăm nghìn khách hàng. VinaGame tiếp tục ra mắt nhiều tựa game nổi tiếng như Gunny, PUBG, Liên Minh Huyền Thoại...
Với nguồn lợi lớn từ game, VinaGame (năm 2009 đổi thành CTCP VNG) sau đó mở rộng sang các lĩnh vực mạng xã hội, thương mại điện tử, nội dung số và thanh toán điện tử... trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên, được định giá cả tỷ USD hồi năm 2014. Năm 2019, Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá VNG ở mức 2,2 tỷ USD.
Những dấu hiệu bất thường
Mặc dù rất thành công với mảng game rồi gây dựng thành công mạng Zalo, nhưng rất nhiều dự án kinh doanh khác của VNG gặp khó khăn kéo dài và xuất hiện vi phạm khi trở thành công ty đại chúng.
Đầu tháng 8/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định xử phạt VNG tổng cộng 157,5 triệu đồng, do vi phạm công bố thông tin và công bố thông tin không đầy đủ.
Cụ thể, VNG đã không công bố Nghị quyết HĐQT hồi tháng 9/2022 về việc thế chấp tài sản VNG để đảm bảo nghĩa vụ nợ của CTCP Công nghệ BigV. Đây là cổ đông lớn của VNG, là bên liên quan và có người đại diện theo pháp luật là ông Lê Hồng Minh.
VNG cũng không báo cáo đúng thời hạn BCTC riêng và hợp nhất 2023 đã kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2023. VNG không công bố đầy đủ thông tin trong năm 2022 và 2023 về việc sử dụng tài khoản của công ty tại CitiBank để đảm bảo khoản vay cho BigV.
Theo BCTC nửa đầu năm 2024, VNG có nhiều khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết đang thua lỗ, trong đó có khoản mất toàn bộ 510 tỷ đồng tiền vốn đầu tư vào Tiki Global...
VNZ cũng đầu tư thêm khoảng 1.777 tỷ đồng vào CTCP Zion (sở hữu ZaloPay) trong nửa đầu năm 2024, nâng tổng đầu tư tại doanh nghiệp này lên gần 5.142 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu từ hơn 72,6% lên 99,999%.
Về vụ việc đột ngột rút hồ sơ IPO tại Mỹ và chưa hẹn ngày nộp lại, trên Tech in Asia, ông Minh khi đó lý giải rằng các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với các đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á. Ban lãnh đạo đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua để chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy vậy, hầu hết nhà đầu tư đang chờ và quan sát. Đến thời điểm này, ông Minh không còn tại vị ghế CEO VNG.
Cũng theo Tech in Asia, tốc độ tăng trưởng của VNG đã chậm lại trong những năm gần đây và hoạt động kinh doanh fintech của công ty đã trở thành rào cản lớn trong việc tăng trưởng lợi nhuận.
>>Kỳ lân VNG (VNZ): Vụ bị kiện về bản quyền tại Mỹ kéo dài chục năm có 'biến' mới