Từ một tài khoản nhỏ với chỉ khoảng 13.600 USD, Takashi Kotegawa đã biến nó thành 153 triệu USD chỉ trong vòng 8 năm, tăng 11.250 lần so với vốn tự có.
Nhắc đến Takashi Kotekawa, giới chứng khoán Nhật Bản không ai là không biết. Anh được xem là thiên tài chứng khoán thế hệ mới, có biệt danh là "thần giao dịch trong ngày".
Năm thứ ba đại học, Kotegawa Takashi vẫn chỉ là một cậu sinh viên bình thường. Thế nhưng, vào thời điểm tốt nghiệp, anh đã sở hữu trong tay khối tài sản "khủng". Chỉ trong vòng 8 năm, anh đã nhân số tiền khởi điểm lên gấp 10.000 lần. Tài sản cá nhân của người đàn ông này cũng đạt mức 200 tỷ yên (khoảng 1,8 tỷ USD).
Mặc dù là một tỷ phú tự thân, chuyên kiếm tiền khủng từ sàn chứng khoán nhưng "thiên tài" này có cuộc sống khá giản dị và khiêm tốn. Anh được mô tả có dáng người gầy, mái tóc xù, thường mặc áo len xám, quần jean và đi giày thể thao không ai có thể nhận ra anh là một tỷ phú USD. Kotegawa Takashi không mua xe sang hay ăn những bữa ăn xa hoa. Anh ấy đi xe đạp và thích ăn ramen. Takeshi cũng rất ít khi xuất hiện trên truyền thông và kín tiếng trên mạng xã hội.
Lãi 17 triệu USD chỉ sau một phiên giao dịch
Takashi Kotegawa sinh ngày 5 tháng 3 năm 1978 tại Ichikawa, Chiba, Nhật Bản. Cao thủ chứng khoán này đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào năm 2001, khi thị trường đang rớt giá.
Từng là một chàng sinh viên vô danh, nhưng một cột mốc vào năm 2005 đã khiến Takashi nổi tiếng khắp cộng đồng chứng khoán Nhật Bản. Theo đó, anh đã chớp được thời cơ vàng và kiếm được hàng triệu USD chỉ trong một lần giao dịch cổ phiếu J-Com Holdings sau khi IPO trên sàn chứng khoán Tokyo. Cơ hội đó đến từ sai lầm của một nhà giao dịch khác làm việc cho Mizuho Securities.
Khi đó, một nhân viên Công ty Chứng khoán Mizuho đang giúp J-com bán đi một số cổ phiếu trị giá 610.000 yên/cổ phiếu. Tuy nhiên, do đặt nhầm lệnh, nhân viên này đã chào bán 610.000 cổ phiếu với giá 1 yên/cổ phiếu.
Trong vòng 30 phút sau đó, hàng loạt các nhà đầu tư đã đổ xô vào mua, trong khi J-com chỉ bán có 14.500 cổ phiếu. Takashi cũng là một trong số đó và anh đã mua ngay 7.100 cổ phiếu. Ngày hôm sau, khi Mizuho thông báo mua lại số cổ phiếu đã "bán hớ", anh đã lập tức bán chúng ra.
Giao dịch này đã mang về cho Takashi Kotegawa khoảng 17 triệu USD (tương đương 2 tỷ yên tại thời điểm đó), giúp anh trở thành nhà đầu tư cá nhân có lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, đó chưa phải là lần duy nhất cao thủ chứng khoán này kiếm được nhiều tiền từ các giao dịch. Takashi đã kiếm hàng triệu USD trên thị trường chứng khoán Nhật trong suốt nhiều năm qua nhưng không chia sẻ công khai tất cả các giao dịch của mình.
Theo trang Indiatimes, từ một tài khoản nhỏ với chỉ khoảng 13.600 USD, Takashi Kotegawa đã biến nó thành 153 triệu USD chỉ trong vòng 8 năm, tăng 11.250 lần so với vốn tự có. Indiatimes còn tiết lộ trên thực tế, đôi khi cao thủ này còn kiếm được hàng triệu USD cho mỗi giao dịch.
Cũng chính vì thế nên bí quyết đầu tư thành công của Takashi trở thành điều mà các trader xứ anh đào khác luôn tò mò muốn tìm hiểu.
Bí quyết "2 không" để thành công
Khi được phóng viên hỏi về bí quyết để thực hiện được những giao dịch hiệu quả, Takashi Kotegawa đã trả lời một cách chân thật rằng bản thân là một người khá kỷ luật dù có một chút máu "cờ bạc".
Takashi cho biết anh quản lý giao dịch của mình hiệu quả đến mức nếu thực hiện 10 giao dịch thì chỉ 4 trong số đó bị thua lỗ. Phương châm của cao thủ này khi giao dịch chính là tất cả các giao dịch không nhất thiết phải đúng 100%. Dù tỷ lệ thành công là 60% thì anh ấy vẫn cố gắng kiếm tiền từ đó.
Ngoài ra, thiên tài chứng khoán người Nhật còn tiết lộ bí quyết "2 không" để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
Thứ nhất, Takeshi Kotegawa không thích để tất cả "trứng" của mình vào một giỏ mà đa dạng hóa các khoản đầu tư để tránh rủi ro. Vì thế sau khi kiếm được nhiều tiền, Kotegawa Takashi chuyển sang đầu tư vào bất động sản vì cảm thấy thị trường chứng khoán đang tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, anh có quá nhiều tiền mặt và muốn đa dạng hóa đầu tư của mình.
Năm 2008, anh chi khoảng 9 tỷ yên (77 triệu USD) để mua một tòa nhà văn phòng trước nhà ga Akihabara ở Tokyo. Năm 2011, anh mua thêm tòa nhà thương mại "AKIBA Cultural District" với giá 17 tỷ yên (khoảng 156 triệu USD). Năm 2018, anh xây dựng nhà hàng từ mảnh đất mua được với giá 80 triệu yên.
Tuy nhiên, cũng có lúc anh sẽ tập trung vào những ngành cụ thể như ngân hàng và công nghệ thông tin.
Thứ hai, Takeshi Kotegawa không thích nhìn vào khoản tiết kiệm của mình vì anh ấy tin rằng nó khiến anh ấy mất tập trung vào giao dịch của mình. Anh ấy không mang theo số lượng lớn tiền mặt vì anh ấy cảm thấy rằng việc nhìn vào nó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đưa ra phán đoán đúng đắn của anh ấy khi giao dịch trong ngày.
“Nếu bạn quan tâm đến tiền, bạn không thể giao dịch trong ngày thành công. Đối với tôi, mất 100.000 USD có thể cảm thấy tốt hơn kiếm được 6.000 USD, nếu giao dịch thua là một giao dịch tốt và giao dịch thắng là một giao dịch tồi ”.
Nói cách khác, Takashi Kotegawa xem giao dịch (một trò chơi kiếm tiền bằng 0) như một trò chơi điện tử khác hoặc là anh "không quan tâm đến tiền".
Ngược lại, cao thủ này lại vô cùng thích ăn mì ramen và thi thoảng chơi điện tử. Anh cho rằng việc ăn mì sẽ giúp anh tiết kiệm thời gian và anh ấy có thể tập trung hơn để nghiên cứu thị trường.
"Nếu tôi ăn ít hơn, tôi sẽ ít buồn ngủ hơn. Điều đó sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn và có thể tập trung hơn vào các giao dịch", thiên tài chứng khoán Nhật Bản giải thích.
Bên cạnh đó, Takashi cũng cho biết không khí bẩn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của con người. Vì thế, anh thích sống một mình trong căn nhà rộng lớn, không gian thoát mát để suy nghĩ nhanh nhẹn và sáng suốt hơn.
Giống như nhiều người giàu khác ở Nhật Bản, Kotegawa Takashi ít khi xuất hiện trên truyền thông kể từ cuộc phỏng vấn gần nhất vào năm 2008. Lần cuối công chúng nghe thấy tên người đàn ông này là vào tháng 4/2018, khi anh bán tòa nhà văn phòng ở Akihabara với giá 12 tỷ yên (110 triệu USD).
Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại