Thân thế 'tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn' một thời mang gốc gác Trung Hoa, giàu lên từ mì chính, cuối đời có kết thảm

13-05-2024 06:15|Nhật Linh

Doanh nghiệp của ông đã từng vượt qua nhiều đối thủ lớn trong và ngoài nước, nhưng sau đó lại "bay màu" bởi việc ăn chơi xa hoa và ham mê tửu sắc.

Từ người làm thuê trở thành “tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn”

Trong những năm 1960, không ai không biết đến danh tiếng Trần Thành, vị doanh nhân được mệnh danh là “tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn”. Trần Thành là người Việt gốc Hoa, ông chủ của thương hiệu bột ngọt Vị Hương Tố. Gia đình ông di cư đến Việt Nam để sinh sống khi ông còn ở tuổi thiếu niên.

Trong tình cảnh khó khăn, bữa đói, bữa no, cùng với việc không có cơ hội học hành đầy đủ, ông đã phải lang thang, gõ cửa các xưởng làm việc của đồng hương trong khu vực Chợ Lớn, hy vọng tìm được một công việc để kiếm sống.

May mắn thay khi ông được tuyển dụng vào làm công nhân tại một xưởng ép đậu phộng và dầu đậu nành để sản xuất dầu ăn. Lúc đó, các xưởng chưa được trang bị máy móc hiện đại, ngoại trừ việc sử dụng máy nổ để ép dầu, mọi công đoạn khác đều phải thực hiện bằng tay. Công việc đầu tiên của chàng trai trẻ Trần Thành lúc đó là cọ rửa thùng dầu, công việc vô cùng mệt mỏi mà đồng lương thì ít ỏi. Tuy vậy, nhờ làm việc chăm chỉ và trung thực, ông nhận được sự quý mến của ông chủ, được giao trách nhiệm quản lý toàn bộ quá trình vệ sinh các thùng chứa dầu.

Tỷ phú Trần Thành. Ảnh tư liệu từ VTV

Tỷ phú Trần Thành. Ảnh tư liệu từ VTV

Dù có cơ hội nhận thầu và sau đó chia việc cho công nhân theo một cơ chế khoán gọn, Trần Thành đã chọn làm việc trực tiếp và hưởng lương từ công sức của bản thân. Ông chủ nhận ra tính chăm chỉ và trung thực của chàng thanh niên, tiếp tục tin tưởng và giao cho Trần Thành nhiệm vụ thu mua nguyên liệu từ các khu vực ở miền Tây, miền Đông, miền Trung và Cao Miên. Đây cũng là việc mà Trần Thành thực hiện xuất sắc nhất.

Dưới sự quản lý của Trần Thành, xưởng sản xuất phát triển nhanh chóng. Ông chủ quyết định đầu tư vào máy móc hiện đại và mở rộng hệ thống đại lý bán hàng ra các tỉnh. Khi đó, Trần Thành đã có gia đình và tích luỹ được số vốn đáng kể. Ông chủ đã cho Trần Thành vay thêm vốn và giao cho ông toàn quyền quản lý hệ thống thu mua. Sử dụng vốn và kinh nghiệm tích lũy, Trần Thành quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất dầu ăn hiện đại và lớn nhất miền Nam trong thời điểm đó.

Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành tăng lên với tốc độ chóng mặt, không chỉ trả vốn cho ông chủ mà còn thâu tóm mọi nguồn cung trong ngành công nghiệp này. Với tầm nhìn và cơ sở vững chắc, Trần Thành mở rộng phạm vi kinh doanh và loại sản phẩm. Ông đã nhanh chóng nảy ra ý tưởng về bột ngọt - một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình.

Năm 1960, Trần Thành thành lập nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố với trang thiết bị hiện đại nhất ở Đông Nam Á vào thời điểm đó. Nhờ chất lượng sản phẩm không thua kém so với Nhật Bản và Đài Loan cùng với giá thành phải chăng, bột ngọt Vị Hương Tố nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bà nội trợ. Thậm chí có lúc Vị Hương Tố cung không đủ cầu, vượt qua cả 2 thương hiệu lớn là Ajinomoto và Vedan đang chiếm lĩnh thị trường Sài Gòn lúc bấy giờ.

Tờ quảng cáo bột ngọt Vị Hương Tố của tỷ phú Trần Thành. Ảnh sưu tầm

Tờ quảng cáo bột ngọt Vị Hương Tố của tỷ phú Trần Thành. Ảnh sưu tầm

Ngoài việc sản xuất bột ngọt, Vị Hương Tố còn mở rộng sang nhiều sản phẩm khác như mì gói, nước tương, tàu vị yểu, mì chay và tất cả đều đạt được thành công. Thập kỷ 60 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ hoàng kim của Trần Thành. Từ lợi nhuận khổng lồ từ bột ngọt Vị Hương Tố, ông đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, ngũ cốc, trường học. Mọi lĩnh vực đều đạt được kết quả mỹ mãn.

Thời điểm thành công, trong một cuộc phỏng vấn, Trần Thành đã nói với một nhà báo rằng chữ "Tín", lòng trung thực và sự kiên trì là bí quyết giúp ông thành công trong kinh doanh. Đối với ông, tài sản có thể kiếm lại nhưng uy tín mất đi thì coi như mất hết.

Sự nghiệp lụn bại vì vung tiền chinh phục mỹ nhân

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, Trần Thành có triết lý sống là cần phải tiết kiệm và tránh xa các thú ăn chơi xa hoa. Ông cho rằng kinh doanh giống như việc tu tâm, không nên dính líu đến cờ bạc, rượu chè và phụ nữ. Tuy nhiên, đến một ngày, "Ông vua không ngai ở Sài Gòn" cũng sa đà vào con đường ăn chơi, đam mê tửu sắc chẳng ai sánh kịp.

Đến một ngày,

Đến một ngày, "Ông vua không ngai ở Sài Gòn" cũng sa đà vào con đường ăn chơi, đam mê tửu sắc chẳng ai sánh kịp. Ảnh minh hoạ

Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn khi đó ắt hẳn không ai không biết đến chuyện tình của ông với diễn viên điện ảnh nổi tiếng Đài Loan - Thang Lan Hoa. Trong một lần nhận lời mời của cộng đồng người Hoa sang Việt Nam biểu diễn, Thang Lan Hoa đã làm trái tim "Ông vua bột ngọt" đập loạn nhịp. Trần Thành đã tìm mọi cách để gần gũi với người đẹp này. Để thu hút sự chú ý của Thang Lan Hoa, ông đã không ngần ngại chi "hàng núi" tiền và tặng cho cô nhiều viên đá quý quý hiếm trong giới kim hoàn.

Thang Lan Hoa khi ở tuổi ngũ tuần. Ảnh: Internet

Thang Lan Hoa khi ở tuổi ngũ tuần. Ảnh: Internet

Từ đó, Trần Thành đến Đài Loan như đi chợ. Dường như, ông đã quên cái thuở cơ hàn, cọ rửa thùng dầu cùng triết lý làm ăn giống đi tu của mình. Sau khi chia tay Thang Lan Hoa, Trần Thành qua lại Singapore làm ăn. Vốn mê tín, ông ta tìm đến một vị bốc sư ở Singapore. Tại đây, ông chung sống với một người phụ nữ bản xứ và sinh được một cô con gái. Đến những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Trần Thành lại bị một vũ nữ trẻ đẹp tại vũ trường Maxim quyến rũ và cô gái này trở thành vợ bé của ông.

Năm 1975, Trần Thành rời Việt Nam để định cư ở nước ngoài. Vào thời điểm đó, nhà máy Thiên Hương của ông đã trở thành một doanh nghiệp quốc doanh, không chỉ sản xuất bột ngọt mà còn mở rộng ra sản xuất thêm một số loại sản phẩm khác. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư vào việc cải tiến công nghệ, các sản phẩm của doanh nghiệp này dần bị các sản phẩm nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường và cuối cùng phải ngừng sản xuất. Sau này, nhà máy này đã được khôi phục một lần nữa và tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.

Một địa chỉ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5 - nơi trước kia là trụ sở công ty Thiên Hương của ông Trần Thành. Ảnh: Hà Nguyễn

Một địa chỉ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TP. HCM - nơi trước kia là trụ sở công ty Thiên Hương của ông Trần Thành. Ảnh: Hà Nguyễn

Từ một người rất được kính nể, được người đời mệnh danh là "Vua không ngai của vương quốc người Hoa Chợ Lớn” Trần Thành cuối cùng vẫn để tài sản khổng lồ tự dày công xây đắp tan theo lạc thú - thứ mà ông từng né tránh hơn nửa đời người.

>> Danh tính đại gia Việt U80 giàu "nứt vách" từng phải xây hầm giấu vàng, "ông trùm" sân golf, chi nghìn tỷ làm từ thiện được phong anh hùng châu Á

Nghỉ học phụ anh trai trả nợ từ năm 16 tuổi, nay trở thành nữ tỷ phú đứng thứ 8 trong top 100 nữ doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc

Chiếc đồng hồ hơn trăm năm tuổi của tỷ phú giàu nhất tàu Titanic được bán đấu giá 'khủng' cỡ nào?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/than-the-ty-phu-cua-cac-ty-phu-sai-gon-mot-thoi-mang-goc-gac-trung-hoa-giau-len-tu-mi-chinh-cuoi-doi-co-ket-tham-d122307.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thân thế 'tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn' một thời mang gốc gác Trung Hoa, giàu lên từ mì chính, cuối đời có kết thảm
POWERED BY ONECMS & INTECH