Sẽ có 3 dự án giao thông được khởi động lại sau thời gian chậm trễ góp phần đẩy lùi vấn đề giao thông nhức nhối của thành phố này nhiều năm qua.
Cầu Ông Nhiêu
Dự án cầu Ông Nhiêu được khởi công từ tháng 12/2017 với tổng mức đầu tư 425 tỷ đồng. Cầu Ông Nhiêu khi đi vào hoạt động sẽ nối hai phường Hữu và Long Trường nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh. Quy mô dự án có chiều dài 725m và bề rộng khoảng 20m. Tuy nhiên từ khi khởi công đến nay, dự án mới chỉ thực hiện được 1,5% khối lượng công việc.
Đến tháng 7/2022, HĐND TP. HCM thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cầu Ông Nhiêu lên 763 tỷ đồng, tăng 338 tỷ đồng so với trước đây. Việc tăng vốn đầu tư dự án là do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng gia tăng.
Với dự án cầu Ông Nhiêu, TP. Thủ Đức phấn đấu đến tháng 9/2024 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi động lại dự án và dự kiến sẽ đi vào thông xe năm 2026.
Nút giao Mỹ Thủy
Dự án nút giao Mỹ Thủy của TP. Thủ Đức khởi công từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 1.998 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay dự án mới hoàn thành 6/10 hạng mục như: Cầu Kỳ Hà 3, hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái, cầu vượt trên đường Vành đai 2, Cầu Mỹ Thủy 3…
Sự chậm trễ của dự án nguyên nhân là từ vấn đề mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đã được tách ra làm dự án riêng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư. Vấn đề về mặt bằng cũng khiến tổng mức đầu tư của nút giao Mỹ Thủy tăng thêm 1.623 tỷ đồng so với ban đầu lên mức 3.622 tỷ đồng.
Hiện tại, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy cơ bản đã hoàn thành và đến cuối quý II/2024 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Dự kiến đến năm 2025 dự án sẽ hoàn thành giúp giảm kẹt xe, tăng khả năng chuyên chở cho khu vực cảng Cát Lái.
Mở rộng đường Nguyễn Thị Định
Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định 2km (từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) đã được HĐND TP. HCM thông qua đầu tư vào năm 2015. Theo đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, gồm cả giải phóng mặt bằng và xây lắp. Tuyến đường sẽ được mở rộng từ 6-8m lên 30m.
Tuy nhiên thời gian qua, vướng mắc về mặt bằng khiến dự án chưa thể thi công. Đến cuối năm 2023, HĐND TP. HCM điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên 2.075 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp giữ nguyên là 295 tỷ đồng, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ hơn 660 tỷ đồng lên gần 1.800 tỷ đồng.
Trong năm 2024, TP. Thủ Đức tiếp tục chi trả thêm 341 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và phấn đấu đến tháng 9/2024 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Theo kế hoạch, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Cùng với 3 dự án được khởi động lại, TP. Thủ Đức cũng tiến hành xây xây dựng một số dự án cầu, đường như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Bồn, tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3... Những dự án này góp phần nâng cấp hệ thống giao thông, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở cho thành phố nằm ở phía Đông TP. HCM.
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM. Theo đó, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích hơn 210km2 và quy mô dân số trên 1 triệu người. Như vậy, hiện nay, Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố này có tổng cộng 34 phường, vị trí địa lý giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP. HCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
TP. HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa… đóng vai trò dẫn dắt, có sức hút đầu tư đối với nền kinh tế khu vực và cả nước. Việc thành lập TP. Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TP. HCM trong hội nhập quốc tế.