The Economist nhấn mạnh, các cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn, góp phần vào thành công của chiến lược chuyển đổi năng lượng.
Đông Nam Á đang là điểm sáng trong chuyển đổi năng lượng sạch. Số liệu tại Mỹ cho thấy, 80% nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ là đến từ 4 nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Việc tuyên bố miễn thuế 2 năm cho tấm pin từ 4 nước này cho thấy nhu cầu lớn của Mỹ với sản phẩm tấm pin mặt trời từ Đông Nam Á trong vòng 2 năm tới. Thế mạnh của Đông Nam Á trong phát triển năng lượng tái tạo là điều đã được thế giới ghi nhận.
Chuyên trang Nhà Kinh tế - The Economist của Anh đã có bài nhấn mạnh tốc độ phát triển và chuyển đổi sang năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về dòng nhan đề "Việt Nam đang dẫn đầu khu vực trong sự chuyển đổi này".
Bài viết mở đầu bằng đánh giá, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Khu vực đầy khói này dường như cũng chưa quan tâm đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng trong bức tranh chung tối màu đó, Việt Nam đang là một điểm sáng.
Theo The Economist, trong vòng 4 năm tính đến đến 2021, tỷ trọng điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ con số 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết các nơi khác trên thế giới, mà còn là tỷ trọng cao hơn những nền kinh tế lớn như Pháp hoặc Nhật Bản. Vào năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cho thấy, kể từ năm 2019, Việt Nam đã tăng gấp bốn lần công suất điện gió và điện mặt trời. "Thành tích phi thường" này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.
The Economist đồng thời nhấn mạnh, các cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn, cũng đã góp phần vào thành công của chiến lược chuyển đổi năng lượng.
Theo RatedPower, Tập đoàn năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới về sản xuất điện mặt trời. 4 nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia chiếm khoảng 98% công suất năng lượng mặt trời của khu vực. Trong đó, năm 2020 Việt Nam vươn lên dẫn đầu.
Theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Việt Nam đã trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 6 thế giới, với tổng công suất 16,5 GW vào cuối 2020.
Giai đoạn thứ 2 của kế hoạch hành động ASEAN về Hợp tác năng lượng 2021 - 2025, đặt mục tiêu đạt 35% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất lắp đặt vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của điện mặt trời hàng năm từ 2018 đến 2040, dự kiến đạt 10,4%.