Thế giới tiền điện tử đang khủng hoảng toàn diện: Bài học nào sau những "cú sập hầm"?

28-06-2022 10:30|Thuỳ Linh

Vì ôm mộng giàu nhanh, nhiều người bất chấp rủi ro đổ tiền đầu tư để rồi trắng tay, cái kết khống thể "éo le" hơn...

Khủng hoảng thanh khoản, một quỹ đầu cơ tiền điện tử vỡ nợ

Quỹ đầu cơ tiền ảo nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) vừa thông báo vỡ nợ với một khoản vay trị giá hơn 670 triệu USD.

Theo thông báo của công ty môi giới tài sản kỹ thuật số Voyager Digital ngày 27/6, 3AC đã không trả được một khoảng vay trị giá 350 triệu USD bằng đồng stablecoin USDC và 15.250 Bitcoin - trị giá khoảng 323 triệu USD theo giá hiện tại.

Việc 3AC mất khả năng thanh toán diễn ra sau nhiều tuần thị trường tiền ảo biến động mạnh khiến hàng trăm tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay”. Cả đồng Bitcoin và Ether đều giảm giá so với 24h trước và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục mọi thời đại từng thiết lập được.

Trong khi đó, tổng vốn hóa của thị trường tiền ảo hiện là 950 tỷ USD - giảm đáng kể so với mức cao nhất khoảng 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Voyager cho biết, tính tới ngày 24/6/2022, công ty này nắm giữ tổng cộng khoảng 137 triệu USD dưới dạng tài sản số và đồng USD và có khả năng tiếp cận 200 triệu USD bằng tiền mặt và đồng USDC, cũng như 15.000 Bitcoin từ quỹ Alameda Ventures.

Tuần trước, Alameda đã cam kết đầu tư 500 triệu USD cho Voyager Digital và Voyager đến nay đã nhận được 75 triệu USD trong số này.

3AC được thành lập vào năm 2012 bởi Zhu Su và Kyle Davies. Su được biết đến là người có quan điểm ủng hộ Bitcoin mạnh mẽ. Năm 2021, ông dự báo đồng tiền ảo lớn nhất thế giới này có thể tăng giá lên 2,5 triệu USD/đồng. Tuy nhiên vào tháng 5 năm nay, khi thị trường tiền ảo bắt đầu lao dốc, ông đã chia sẻ trên Twitter rằng “luận điểm về siêu chu kỳ tăng giá của ông đã sai một cách đáng tiếc”.

Sự khởi đầu của cái gọi là "mùa đông tiền điện tử" mới đã gây tổn hại tới hầu hết dự án và công ty tiền ảo trên thị trường.

Có thể thấy, các vấn đề của 3AC bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng này sau khi ông Zhu chia sẻ lên Twitter một thông điệp khó hiểu rằng công ty đang “trong quá trình trao đổi với các bên liên quan” và “hoàn toàn cam kết giải quyết vấn đề này”. Sau đó không có thông tin nào làm rõ đây là những vấn đề cụ thể gì.

Sau dòng tweet trên của ông Zhu, tờ Financial Times dẫn nguồn tin cho biết hai hãng cho vay tiền số tại Mỹ gồm BlockFi và Genesis đã tiến hành thanh lý một số tài sản của 3AC. Công ty này đã vay từ BlockFi nhưng không thể đáp ứng cuộc gọi yêu cầu ký quỹ.

Tiếp sau đó, đồng stablecoin thuật toán terraUSD và đồng tiền “chị em” Luna sụp đổ, khiến 3AC chịu lỗ nặng.

Hiện tại, 3AC đang đối mặt cuộc khủng hoảng tín dụng ngày càng trầm trọng hơn do áp lực liên tục đối với thị trường tiền điện tử. Giá đồng Bitcoin dao động quanh mức 21.000 USD trong ngày 27/6 và đã giảm khoảng 53% từ đầu năm nay.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản rủi ro cao.

3AC, một trong những quỹ đầu cơ tiền ảo lớn nhất thế giới, đã vay một lượng tiền lớn từ nhiều công ty và đầu tư vào nhiều dự án tài sản số khác nhau. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự lây lan rộng trên toàn thị trường.

Hiện tại, một số công ty tiền điện tử đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản do thị trường lao dốc. Hồi đầu tháng, hãng cho vay Celsius - công ty từng hứa hẹn mức lợi nhuận siêu cao cho người gửi tiền ảo - đã tạm dừng cho khách hàng rút tiền với lý do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.

Babel Finance, một hãng cho vay tiền ảo khác, mới đây cũng nói rằng công ty đang "đối mặt với áp lực thanh khoản bất thường" và tạm dừng việc rút tiền.

“Tan cửa nát nhà” vì đầu tư tiền ảo

Trước đó hồi trung tuần tháng 5/2022, sự sụp đổ của Luna được giới đầu tư coi là một trong những sự kiện Thiên nga đen lớn nhất của thị trường Crypto bởi các yếu tố cực kỳ hiếm xảy ra, không thể đoán trước và có tác động nghiêm trọng đến toàn bộ thị trường Crypto.

Nạn nhân của cú sập đột ngột này có đủ các thành phần, từ các tỷ phú điều hành những sàn giao dịch tiền số như Coinbase, Binance cho đến những người chơi nhỏ lẻ dùng tiền tiết kiệm để đầu tư.

"Tôi mất hơn 450.000 USD và không thể trả nợ ngân hàng nên sẽ mất nhà và trở thành người vô gia cư" là nội dung một trong những bài viết đang thu hút nhiều lượt xem nhất trong chủ đề Terra Luna ở diễn đàn Reddit.

TerraForm Labs – công ty Singapore được hình thành vào năm 2018 bởi các nhà sáng lập của Terra đã nhận 150 triệu USD từ các công ty đầu tư gồm cả Arrington Capital, BlockTower Capital và Pantera Capital.

Không ai có thể nghĩ rằng một đồng stablecoin lại giảm xuống dưới 1 USD. Hay một đồng tiền mã hóa thuộc hàng top và được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng lại có thể sụt giảm từ mức giá hơn 100 USD xuống chỉ còn 0.0001 USD, tức chia khoảng 1 triệu lần. Tức nếu bạn đầu tư 1 tỉ đồng vào Luna, thì sau một đêm, tài khoản của bạn có thể chỉ còn lại 1.000 đồng.

Tại Việt Nam, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.

Hệ quả sau những cú lao dốc không phanh của Bitcoin và tiền mã hóa

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-tien-dien-tu-dang-khung-hoang-toan-dien-bai-hoc-nao-sau-nhung-cu-sap-ham-137983.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thế giới tiền điện tử đang khủng hoảng toàn diện: Bài học nào sau những "cú sập hầm"?
    POWERED BY ONECMS & INTECH