Bất động sản

Thêm loạt công trình vi phạm san lấp lòng hồ trong rừng phòng hộ Sóc Sơn

Quang Phong 14/08/2023 - 12:01

Không chỉ xảy ra tình trạng bạt núi làm nhà, hàng loạt ao hồ trong rừng phòng hộ Sóc Sơn cũng bị san lấp để xây dựng công trình kiên cố phục vụ mở hàng quán, homestay.

Xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong tháng 6.

Đáng chú ý, trong 19 vụ việc vi phạm lòng hồ trong tháng 6, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ vi phạm tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn).

Khu vực rừng phòng hộ và hồ Đồng Đò có nhiều công trình sai phạm. (Ảnh: Quang Phong)

Trong đó, có trường hợp ông Vũ Mạnh Cường xây bể, đào đất lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò; còn ông Đinh Phú Cường xếp đá lấn hồ Đồng Đò. Một trường hợp khác làm kè móng bằng tấm bê tông, xây tường, đổ nền bê tông lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò nhưng chưa xác định được người vi phạm.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, trong các vi phạm này có những trường hợp vi phạm quy mô lớn, ảnh hưởng đến vận hành an toàn hồ đập, tạo dư luận không tốt trong xã hội, cần tập trung xử phạt.

Sở NN&PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vụ vi phạm mới, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Để xử lý kịp thời các vi phạm, thời gian tới, Sở NN&PTNT yêu cầu các công ty thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai kiểm tra, báo cáo 10 ngày 1 lần thay vì 1 tháng như trước đây để kịp thời phát hiện các vi phạm.

Các công trình kiên cố ở ven hồ Đồng Đò

Trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) cũng chỉ rõ, khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng.

“Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (đơn vị thuộc Sở NN&PTNT)”, ông Tuyên cho hay.

Hàng loạt biệt thự, homestay mọc lên ven hồ Đồng Đò trong những năm gần đây.

Ông Tuyên cho biết, Chi cục Kiểm lâm đã có báo cáo gửi Sở NN&PTNT về tình hình san ủi, xây dựng trái phép trên đất rừng tại địa bàn Sóc Sơn.

Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép. Sở NN&PTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.

Xã ‘giấu’ vi phạm, huyện không biết?

Tình trạng xây dựng biệt thự, homestay trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn đã được Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ từ tháng 3/2019, với gần 3.000 trường hợp; chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Tuy nhiên, sau kết luận này, nhiều người vẫn thi nhau ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý được 124 trường hợp. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 xử lý hơn 300 trường hợp.

Người dân đưa máy móc vào san gạt đất dưới chân núi để mở đường đi quanh hồ Đồng Đò.

Trước câu hỏi của phóng viên vì sao huyện Sóc Sơn đã xử lý nghiêm nhưng các công trình vi phạm vẫn tiếp tục ‘mọc’ lên sau kết luận Thanh tra TP, ông Phạm Quang Ngọc nói: “Huyện luôn đặt mục tiêu ngăn chặn và xử lý kịp thời công trình vi phạm, nhưng khó có thể bảo bà con là cấm vi phạm”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, thời gian vừa qua, huyện rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Tháng 6 vừa qua, huyện đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.

“Vẫn còn một số trường hợp vi phạm nhưng xã “giấu”, ở trên huyện không biết được. Tháng 7 vừa rồi, huyện cho đi kiểm tra địa bàn từ đầu năm đến giờ xem ông nào giấu. Huyện đang làm hết sức nhưng việc này hết sức phức tạp, cần làm dần từng bước”, ông Ngọc nói.

Sẽ cưỡng chế 5 công trình ở xóm Ban Tiện

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ 5 công trình vi phạm nằm trong phạm vi đất rừng ở xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú).

Theo đó, các hạng mục vi phạm của homestay, công trình kiên cố nằm dọc 2 bên đường bê tông và căn nhà ở trên đồi Dõng Chung sẽ bị cưỡng chế. Huyện Sóc Sơn dự kiến thời gian tiến hành cưỡng chế trong tháng 8, tháng 9.

Hồ sơ các công trình vi phạm ở xóm Ban Tiện do UBND xã Minh Phú thiết lập thể hiện, từ tháng 4/2021 - 7/2022, lực lượng liên ngành đã lập biên bản đối với các cá nhân là chủ đầu tư các homestay, nhà ở, công trình kiên cố trên đồi.

Trong biên bản thể hiện các cá nhân đã có hành vi chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

‘Mua bán đất rừng Sóc Sơn là bất hợp pháp'

3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

Nhà máy điện rác Sóc Sơn - đáp án cho 2 bài toán nan giải của Hà Nội

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/them-loat-cong-trinh-vi-pham-san-lap-long-ho-trong-rung-phong-ho-soc-son-2177149.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thêm loạt công trình vi phạm san lấp lòng hồ trong rừng phòng hộ Sóc Sơn
POWERED BY ONECMS & INTECH