Thị trường hàng hoá phiên cuối tuần có xu hướng đi xuống trong đó giá gas giảm hơn 4% do những lo ngại về nguồn cung, nhóm nông sản tiếp tục biến động trái chiều trước ảnh hưởng từ đồng USD đang tăng mạnh.
Giá dầu tiếp tục đi lên
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 2,01% lên 104,8 USD/thùng chốt phiên giao dịch cuối tuần này. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 2,26% lên 107 USD/thùng.
Tuần qua, giá “vàng đen” đã có phiên giao dịch trượt dốc không phanh, tới gần 10% hôm 5/7 bởi mối lo suy thoái tiềm tàng cùng với nguy cơ giảm cầu do khả năng phong tỏa ở Trung Quốc để kiềm chế sự lây lan của Covid-19 đã “soán ngôi” nỗi lo thiếu hụt nguồn cung.
Tiếp đà trượt sâu, giá dầu đã chịu mức lỗ thêm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong 12 tuần qua trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 6/7.
Dù khôi phục được giá vào 2 phiên cuối của tuần giao dịch, nhưng bước trượt dài những phiên giao dịch trước đó đã khiến cho cả dầu Brent và WTI tuần này đều chịu mức lỗ. Theo đó, giá dầu Brent giảm khoảng 4,1% và WTI giảm 3,4%. Brent lại có thêm một tuần trượt giá trong khi WTI trở lại đà lao dốc của 2 tuần trước nữa.
Giá cà phê bứt phá, giá tiêu kéo dài chuỗi giảm
Tại thị trường thế giới, giá cà phê 7 đồng loạt tăng trở lại ở cả 2 sàn giao dịch lớn.
Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 7/2022 tăng 37 USD/tấn ở mức 1.970 USD/tấn, giao tháng 9/2022 tăng 37 USD/tấn ở mức 1.981 USD/tấn.
Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 7/2022 giảm 0,7 cent/lb, ở mức 222,9 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 0,7 cent/lb, ở mức 219,6 cent/lb.
Thị trường cà phê thế giới có 1 phiên hồi phục sau chuỗi giảm liên tiếp vừa qua. Nguyên nhân do sàn London đã vào vùng mua quá mức, đồng USD giảm. Ngoài ra tồn kho đạt chuẩn trên sàn New York thấp kỳ lục 22 năm nay đã hỗ trợ giá Arabica tăng trở lại.
Thị trường cà phê thế giới quay đầu hồi phục sau thông tin thời tiết đang tác động tiêu cực đến vùng trồng cà phê ở nhiều nơi trên thế giới, khiến sản lượng vụ cà phê tiếp theo có thể giảm mạnh.
Ngoài ra, thị trường đang điều chỉnh USDX vì “lạm phát không cao như suy đoán” sau các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ có phần lạc quan sẽ dẫn tới khả năng Fed sẽ không “diều hâu” tại phiên họp chính sách cuối tháng 7 như đã dự kiến.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo tiêu thụ toàn cầu thiếu hụt 3,1 triệu bao trong niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022, nhưng thị trường cũng cần lưu ý vì cuộc chiến Đông Âu và lệnh cấm vận đã làm mức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm khoảng 6 triệu bao như đã dự tính.
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 67.500 – 70.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 67.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (68.500 đồng/kg); Bình Phước (69.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.500 đồng/kg.
Như vậy, trong tuần này, đây là ngày thứ 2 liên tiếp giá tiêu điều chỉnh giảm.
Thị trường tiêu nói riêng và các sàn hàng hóa tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đồng USD đang quá mạnh.
Cộng đồng Hồ tiêu đánh giá, thị trường tiếp tục phản ứng trái chiều khi chỉ có giá tiêu nội địa Sri Lanka tăng. Giá tiêu Ấn Độ có xu hướng giảm trong tuần này. Giá tiêu của Indonesia phản ứng tiêu cực do đồng nội tệ tiếp tục suy yếu so với đồng USD.
Đây là tuần tăng thứ 2 của Sri Lanka sau nhiều tháng trầm lắng. Ngày 5/7 Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ và tình trạng khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có này sẽ kéo dài cho tới ít nhất là cuối năm 2023.
Đối với thị trường Việt Nam, mặc dù xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đang ấm dần lên nhưng các chuyên gia dự báo giá tiêu chưa thể tăng trở lại trong ngắn hạn, thậm chí có thể tiếp tục giảm. Nguyên nhân là bởi thị trường đang xuất hiện một số yếu tố gây bất lợi cho sự phục hồi của giá tiêu.
Giá cao su biến động trái chiều trên hai sàn phái sinh
Giá cao su hôm nay 10/7 ghi nhận sự biến động trái chiều trên hai Sàn Tocom và SHFE. Cao su giữ đà tăng giá ở Nhật và giảm ở Trung Quốc.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 7/2022 ghi nhận mức 255,4 yen/kg, tăng 0,55% (tương đương 1,4 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2022 được điều chỉnh xuống mức 12.440 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,88% (tương đương 110 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Giá cao su Nhật Bản chạm mức cao nhất trong hai tuần do thị trường chứng khoán Tokyo mạnh lên và nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc trong tháng 6/2022 được cải thiện hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi nguồn cung của Thái Lan tăng do vào đợt khai thác mủ.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt gần 5,59 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, trừ Malaysia và Hàn Quốc, kim ngạch nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với 797,13 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 chiếm 14,3%, thấp hơn so với mức 15% của 5 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, trong tháng 6, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm so với cuối tháng 5/2022.
Giá khí tự nhiên bất ngờ lao dốc hơn 4% phiên cuối tuần
Giá khí tự nhiên giảm 4,18% xuống 6,034 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 8/2022 vào lúc 7h05 (giờ Việt Nam).
Theo Natural Gas Intelligence, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn dao động trong một phạm vi hẹp trước khi sụt giảm thấp hơn và cuối cùng kết thúc trong vùng tiêu cực.
Đợt tăng giá kỳ hạn hôm thứ Năm (7/7) đã kết thúc “thị trường gấu” (thị trường giá xuống) kéo dài ba tuần phát triển sau vụ nổ và hỏa hoạn tại một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Texas. Sự cố Freeport LNG đã buộc công suất xuất khẩu ngoại tuyến khoảng 2 Bcf/ngày trong suốt mùa Hè - có lẽ lâu hơn nữa - và giải phóng lượng khí đó để sử dụng trong nước.
Thị trường đã giảm bớt lo ngại rằng Mỹ có thể thiếu nguồn cung dự trữ trong bối cảnh nhu cầu LNG toàn cầu tăng mạnh và dự báo mùa Hè sẽ là một trong những thời điểm nóng nhất được ghi nhận. Đến nay, nhu cầu giải nhiệt vào mùa này đang tăng mạnh như mong đợi.
Tuy nhiên, vào thứ Năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố mức tăng dự trữ là 60 Bcf trong tuần kết thúc vào ngày 1/7 - nhẹ hơn khoảng 15 Bcf so với dự kiến. Công ty đã nâng hàng tồn kho lên 2.311 Bcf, song, báo cáo vẫn để tồn kho 322 Bcf dưới mức trung bình 5 năm.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng các công ty tiện ích của Mỹ có thể không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu mùa Hè và tích trữ đủ vào kho cho mùa Đông sắp tới.