Thị trường hàng hoá ngày 26/9: Giá dầu có dấu hiệu hồi phục, sắc đỏ bao trùm nhóm kim loại

26-09-2022 10:04|Bảo Trung

Thị trường hàng hoá biến động trái chiều trong đó giá dầu tăng nhẹ, thị trường kim loại tiếp tục giảm mạnh do tác động từ việc Fed tăng lãi suất.

Giá dầu có dấu hiệu hồi phục

Theo Oilprice, lúc 6 giờ 30 phút ngày 26/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 được giao dịch ở mức 86,8 USD/thùng, tăng 0,65 USD, tương đương 0,75%.

Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 79,42 USD/thùng, tăng 0,68 USD, tương đương 0,86%.

Tuần trước, giá xăng dầu biến động mạnh, chịu tác động của đồng USD tăng lên mức đỉnh trong vòng 22 năm, lo ngại thiếu hụt nguồn cung và nguồn cầu giảm trên toàn thế giới, và “cuộc đua” tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn nhằm kiềm chế lạm phát tăng nóng.

Giá dầu trong các phiên giao dịch lúc tăng nhẹ trong khoảng 1%, lúc giảm hơn 1%. Có thời điểm, giá dầu đã phục hồi hơn 2 USD sau tin tức Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần, làm gia tăng căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy giá dầu quay đầu giảm, trượt xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần.

Xu hướng bán tháo có thể tiếp diễn trong tuần này với dự báo giá dầu WTI có thể thủng các ngưỡng 78 USD/thùng và SMA 200 tháng 72,35 USD/thùng, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SKCharting.com.

Giá khí đốt tự nhiên tiếp tục lao dốc

Giá gas (hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas-Mã hàng hoá: NGE) giảm 3,5% còn 6,814 USD/mmBTU vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 26/9 (theo giờ Việt Nam). Dù đã dịu đi trong mấy tuần gần đây song nhiều quốc gia vẫn lên phương án kiềm chế giá khí đốt.

Trong suốt một thời gian dài liên tục tăng cao, giá khí đốt ở châu Âu đã tụt xuống đáy. Một báo cáo của công ty phân tích thị trường Timera Energy nhận định: Tình hình trên thị trường năng lượng châu Âu đã bắt đầu cải thiện trong 3 tuần trở lại đây, khi các hành động chính sách bắt đầu định hình và có thêm những bằng chứng về sự giảm sút nhu cầu do giá cao.

Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu nhiều biện pháp hơn để kiềm chế giá khí đốt cao “ngất ngưởng” và hỗ trợ các công ty năng lượng đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản.

Đặc biệt, trong nỗ lực vượt khủng hoảng năng lượng, Đức, Anh và các quốc gia khác ở châu Âu đã lên kế hoạch chi nhiều tỷ USD để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, giải cứu các công ty năng lượng trong nước và thiết lập trần giá để giảm áp lực đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ

Thị trường kim loại đỏ lửa trong tuần giao dịch 19/9 – 25/9 trước hàng loạt các sức ép vĩ mô gây áp lực đến giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc ghi nhận đà suy yếu sau 2 tuần tăng liên tiếp, đóng cửa tại mức 18,91 USD/ounce sau khi giảm 2,43%. Bạch kim là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm kim loại quý với mức giảm 4,69% xuống còn 858,7 USD/ounce.

Trong tuần qua, hàng loạt các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát vẫn đang ở mức cao. Trong đó, tâm điểm của thị trường hướng về các quyết định trong cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với mức tăng 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bổ sung khoảng 1,25 điểm phần trăm trong giai đoạn cuối năm, đưa lãi suất lên mức 4,6% vào năm sau.

Điều này đã củng cố cho đà tăng của đồng Dollar Mỹ trong tuần. Chỉ số Dollar Index ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2020, thiết lập đỉnh 2 thập kỷ mới và gây sức ép tới các mặt hàng kim loại nói chung và bạc cùng bạch kim nói riêng. Bên cạnh đó, một số các Ngân hàng Trung ương tại khu vực Châu Âu như Anh, Thuỵ Sỹ, Na Uy… cũng tiếp tục thắt chặt tiền tề, làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế trong tương lai.

Trước các sức ép vĩ mô, giá đồng COMEX cũng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, đóng cửa tại mức giá 3,34 USD/pound sau khi đánh mất gần 5% giá trị trong tuần. Chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất tại khu vực Châu Âu vẫn ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ 3 liên tiếp, phản ánh sự thu hẹp trong các hoạt động của nhà máy tại khu vực này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra cảnh báo về suy thoái kinh tế tại quốc gia này đã bắt đầu xuất hiện ngay từ quý III.

Bất chấp sự phục hồi nhẹ trong nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, viễn cảnh tăng trưởng tiêu cực tại các nước phát triển hàng đầu trên thế giới đã đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng nói riêng và các kim loại cơ bản nói chung. Các kim loại cơ bản khác như nhôm, chì, thiếc, kẽm trên Sở LME cũng đều lao dốc ở mức hơn 4% trong tuần qua.

Ghi nhận lúc 9 giờ sáng ngày 26/9 (giờ Việt Nam), giá Bạc (Mã: SIE) kỳ hạn tháng 12 giảm hơn 1,5% còn 18,62 USD/ounce; giá đồng (mã CPE) kỳ hạn tháng 9 giảm mạnh hơn 3,3% còn 630,8 USD.

Giá nông sản giảm sâu

Thị trường nông sản Mỹ kết phiên giao dịch 23/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đồng loạt giảm, dẫn đầu là lúa mỳ.

Chốt phiên này, giá ngô (mã ZCE) giao tháng 12/2022 giảm 11,5 xu Mỹ (1,67%) xuống 6,7675 USD/bushel. Giá đậu tương (mã ZSE) giao tháng 11/2022 giảm 31,25 xu Mỹ (2,14%) xuống 14,2575 USD/bushel.

Còn giá lúa mỳ (mã ZWA) giao tháng 12/2022 giảm 30,24 xu Mỹ (3,32%) xuống 8,805 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá nông sản kỳ hạn trên sàn CBOT giảm mạnh do đồng USD tăng vọt, cùng với các thị trường tài chính và năng lượng suy yếu. Sự suy yếu kinh tế vĩ mô đang bắt đầu tràn sang các thị trường nông sản, thể hiện ở tốc độ xuất khẩu ngũ cốc Mỹ.

Triển vọng kinh tế đang khá bấp bênh. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự đoán mức hỗ trợ ban đầu cho đậu tương giao tháng 11/2022 là 14,20 USD/bushel và 6,65 USD/bushel đối với hợp đồng ngô giao tháng 12/2022.

Nhận định thị trường hàng hoá tuần 26 - 30/9

MXV nhận định, trong tuần này, các thông tin về kinh tế vĩ mô sẽ cực kỳ quan trọng đối với thị trường hàng hóa, đặc biệt là các thị trường như năng lượng và kim loại. Việc đồng USD lập đỉnh mới trong vòng 22 năm sẽ khiến giá hàng hóa nói chung chịu nhiều sức ép. Trong khi triển vọng kinh tế của khu vực Euro Zone và Anh đang rất tiêu cực, thể hiện qua giá trị đồng tiền Euro và Bảng Anh xuống đáy nhiều thập kỷ. Kinh tế tăng trưởng kém sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp, ví dụ như xăng dầu, sắt, thép; và một số loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê, ca cao,…

Riêng đối với thị trường nông sản, nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến Báo cáo Tồn kho quý được Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hàng vào đêm thứ 6 ngày 30/9 tới đây. Báo cáo sẽ cung cấp các số liệu tổng quát và cả chi tiết giúp đánh giá được thực trạng tồn kho và tốc độ tiêu thụ ngô, đậu tương, lúa mì và bông tại Mỹ. Dự tính, báo cáo sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường nông sản trong cuối tuần này.

Bài toán kiểm soát giá cả

Petroyuan “soán ngôi” petrodollar, không chỉ đồng bạc xanh bị ảnh hưởng?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-ngay-269-gia-dau-co-dau-hieu-hoi-phuc-sac-do-bao-trum-nhom-kim-loai-150483.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị trường hàng hoá ngày 26/9: Giá dầu có dấu hiệu hồi phục, sắc đỏ bao trùm nhóm kim loại
    POWERED BY ONECMS & INTECH