Theo nhóm phân tích tại VDSC, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn có chỗ thừa, chỗ thiếu, và NHNN vẫn tiếp tục định hướng hỗ trợ thanh khoản.
NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống
Trong tháng 4/2023, NHNN chỉ điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, dừng nghiệp vụ phát hành tín phiếu.
Theo báo cáo mới cập nhật tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính từ đầu tháng đến 25/04/2023, NHNN đã bơm ròng 63,6 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, gấp 2,3 lần quy mô bơm ròng của tháng trước.
Đến ngày 25/04, số dư trên thị trường mở đối với tín phiếu NHNN là 110,7 nghìn tỷ đồng, toàn bộ là kỳ hạn 91 ngày. Số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn là 64,6 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 66,6% (~43,0 nghìn tỷ đồng) có kỳ hạn 28 ngày, dự kiến đáo hạn vào tháng 5/2023. Lãi suất nghiệp vụ mua kỳ hạn giảm còn 5,0%/năm so với mức 5,5%/năm vào cuối tháng trước.
Trên thị trường liên ngân hàng, nhịp giảm sâu vào cuối tháng 3/2023 đã kết thúc và lãi suất liên ngân hàng tăng khá nhanh trong nửa đầu tháng 4/2023 trước khi giảm trở lại vào đầu tuần này.
Cụ thể, tại ngày 21/04/2023, lãi suất cho vay qua đêm là 3,29%/năm, cao hơn gần 2,2 điểm % so với cuối tháng trước. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1-2 tuần cũng tăng khoảng từ 1,0-1,8 điểm % so với cuối tháng trước.
Trong khi đó, biến động lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dài là không đáng kể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng 0,4 điểm % trong tháng qua, trong khi kỳ hạn 3 tháng tiếp tục giảm thêm 0,3 điểm %.
Quy mô vay mượn ở các kỳ hạn dài chỉ chiếm khoảng 10% tổng quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và giảm so với tháng trước.
Theo nhóm phân tích tại VDSC, những diễn biến trên hàm ý thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn có chỗ thừa, chỗ thiếu, và NHNN vẫn tiếp tục định hướng hỗ trợ thanh khoản.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, mặt dù chênh lệch giữa lãi suất cho vay qua đêm đồng USD và đồng VND đã tăng khá cao trong nửa đầu tháng 4, tuy nhiên tỷ giá USDVND nhìn chung ổn định so với cuối tháng trước.
Ngoài ra, tỷ giá trên thị trường tự do có biểu hiện thấp hơn tỷ giá trên thị trường chính thức, cho thấy nhu cầu USD hiện tại là thấp.
Tỷ giá ổn định cũng đang được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài gồm: Kiều hối tăng trở lại và sức mạnh đồng USD suy giảm trong giai đoạn vừa qua. Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ 0,1% so với cuối tháng trước, nhưng giảm 0,6% so với cuối năm 2022.
Tín dụng đang phục hồi
Theo công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/04/2023 đạt 2,57% so với cuối năm 2022, con số này cao hơn 1,5 điểm % so với cập nhật tại ngày 09/03/2023 và cao hơn ước tính 2,06% tại thời điểm 28/03/2023.
Như vậy, tín dụng đang có xu hướng phục hồi với mức tăng bình quân ước tính khoảng 0,9 điểm %/tháng. Các NHTM tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng vừa qua, mức giảm 0,2-0,3 điểm %/năm so với đầu tháng.
Theo thống kê của NHNN, trong hai tháng đầu năm 2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 5,7% so với cuối năm 2022, ngược lại, tiền gửi của dân cư tăng 5,4%. Tốc độ giảm trong quy mô tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm mạnh hơn giai đoạn Covid-19, phần nào cũng phản ánh khó khăn của toàn nền kinh tế.
Hiện tại, NHNN và Bộ Xây dựng đã có văn bản chính thức về việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và lãi suất cho vay đối với người mua nhà là 8,2%/năm từ ngày 30/06/2023.
Điểm đáng chú ý Bộ Xây dựng đã uỷ quyền cho địa phương phê duyệt và công bố danh mục nhà ở xã hội để các NHTM căn cứ để giải ngân cho người mua và chủ đầu tư. Về cơ bản, phân khúc nhà ở xã hội vẫn gặp những trục trặc về nguồn cung, thủ tục điều kiện được vay của cá nhân và chủ đầu tư.
Vì vậy, chúng tôi không quá lạc quan về tiến độ giải ngân của gói tín dụng 120 nghìn tỷ này. Tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng phục hồi của doanh nghiệp, các chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ của NHTM, và mặt bằng lãi suất đi vay.
Nhận định về thông tư 02-03/2023 của NHNN
Đầu tuần này, NHNN đã chính thức ban hành hai thông tư: Thông tư 02/2023 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03/2023 về việc cho phép NHTM được mua lại TPDN mà ngân hàng đã bán trong vòng 12 tháng.
Thông tư 03/2023 cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng quy định đối tượng được các NHTM mua lại trái phiếu đã phát hành vẫn khá chặt, không cho phép mua TPDN phát hành mới với mục đích cơ cấu nợ.
Nhìn chung, nhóm phân tích đánh giá điểm nghẽn đối với TDPN và khó khăn của thị trường bất động sản nhìn vẫn chưa được khai thông nhiều sau việc ban hành hai thông tư mới mà cần thêm thời gian và các giải pháp đồng bộ khác.
Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo ‘nóng’ tới các ngân hàng
Từ 1/1/2025, tất cả ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu truy cập