Chọn một phong cách đầu tư phù hợp ở thời điểm này xem ra không dễ với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt khi giá nhiều mã cổ phiếu đã vượt đỉnh của chính nó.
Xem quỹ chọn cổ phiếu
Chọn cổ phiếu như thế nào là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra với ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Quỹ Passion Investment (PI), quỹ theo phong cách đầu tư giá trị.
Ông Trung chia sẻ, Quỹ không dùng phân tích kỹ thuật cũng như quá chú trọng vĩ mô ngắn hạn. Năm 2021 là năm thứ 6 Quỹ đạt tỷ suất lợi nhuận 44% dựa hoàn toàn trên phân tích cơ bản, tức là lựa chọn cơ hội đầu tư qua phân tích hoạt động kinh doanh, giá trị công ty, có quan tâm đến yếu tố vĩ mô, với chu kỳ 5 - 7 năm.
Danh mục của PI thường có 6 - 10 cổ phiếu, đó là những doanh nghiệp xuất sắc với 2 tiêu chí đầu tiên là ROE trên 15%, tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trên 15%/năm.
Danh mục của PI thường có 6 - 10 cổ phiếu. Quá trình lựa chọn để lọc cổ phiếu khá kỹ càng. Nhóm 1 là những doanh nghiệp xuất sắc với 2 tiêu chí đầu tiên là ROE trên 15%, tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trên 15%/năm.
Nhưng thường nhóm này giá cũng đã khá cao. Nhóm 2 là những doanh nghiệp không quá xuất sắc, P/E 5 - 6 lần, P/B quanh 1 lần, nhưng nếu doanh nghiệp có thông tin không tốt trên thị trường là loại bỏ luôn. Nhóm 3 là những cổ phiếu có thị giá dưới giá trị sổ sách.
Quỹ ưu tiên nhóm 1, hầu như không chọn nhóm 2 và 3 và chỉ cần sàng lọc qua các tiêu chí về ROE, tăng trưởng doanh thu và bỏ qua tin đồn không tốt thì thị trường cũng chỉ còn 50 mã để phân tích tiếp.
Việc nghiên cứu được thực hiện trên bàn giấy và cả thực địa để xác định được rõ lý do tại sao doanh nghiệp tăng trưởng được, có kéo dài không, giá hiện tại có phù hợp không… Nói nôm na trên bàn giấy là nghiên cứu trên Internet, mạng xã hội, diễn đàn thảo luận, thông tin đến từ doanh nghiệp (báo cáo thường niên, báo cáo tài chính), hiệp hội ngành nghề, thậm chí cả thông tin trả phí; thảo luận và nghiên cứu sâu hơn.
Còn đội nghiên cứu thực tế là đi gặp chuyên gia trong lĩnh vực đó, trao đổi với chuyên gia rồi hỏi các công ty khác trong ngành, kênh phân phối, đại lý bán hàng, khách hàng trực tiếp của công ty. Sau khi có bức tranh tổng thể, các chuyên viên sẽ thảo luận để xác định rõ Công ty tốt ở mức giá hiện tại hay đợi đến mức giá hợp lý mới mua.
Với cách lựa chọn cổ phiếu như vậy, PNJ là một thương vụ đầu tư thành công của PI với lợi nhuận đạt 2 lần giá trị đầu tư ban đầu trong vòng chưa đến 2 năm.
Nhưng cũng không phải không có sự thất bại, PI đã từng phải bán cắt lỗ cổ phiếu VNS (Vinasun) khi mua ở mức giá 19.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu và bán ở vùng giá 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu tư giá trị là so sánh giá phải trả và giá trị thật. Các quỹ như PI thường có tầm nhìn 3 năm và đầu tư có tính chất gối đầu, năm nay đã chuẩn bị và nghiên cứu những cổ phiếu để sang năm sẽ mua.
Còn với các nhà đầu tư cá nhân chỉ đầu tư thuần túy dựa trên yếu tố tài chính của công ty, ông Trung có lời khuyên là phải mua khi cổ phiếu rớt xuống giá rẻ, còn đã trở nên đắt đỏ thì bỏ qua, danh mục đa dạng cổ phiếu hơn vì không phải sự lựa chọn nào của mình cũng có xác suất đúng 100%.
Chọn lối đi riêng
Là nhà đầu tư gắn bó với thị trường từ những ngày đầu, bà Thanh Tâm chia sẻ cách đầu tư của mình mà bà gọi là quá trình học hỏi liên tục. Đó là chọn tối đa 3 mã để danh mục rất tập trung, chọn một điểm mua vào là thời điểm các "kho" cháy "khét lẹt" hoặc các tài khoản bị call margin (ở điểm mua đó bà sẽ mua hết tài khoản, dùng margin để tối đa sức mua), sau đó nắm giữ dài hạn.
Điểm mua đã khó, chọn được điểm bán phù hợp lại càng khó với nhiều nhà đầu tư. Về vấn đề này, ông Trung chia sẻ, các quỹ như PI đặt ra mức giá mục tiêu cho các cổ phiếu mình mua, song không nhất thiết cứ đạt giá mục tiêu là bán.
Việc bán ra cổ phiếu còn căn cứ vào thị trường thời điểm đó, thường nếu vào thời gian thị trường đang lên thì Quỹ sẽ chờ thêm một thời gian ngắn, khi giá cổ phiếu vượt quá giá trị thực của nó sớm hay muộn sẽ đứng yên dao động quanh một mức giá hoặc giảm lại, khi cổ phiếu có dấu hiệu yếu đi hoặc giảm 5 - 10% quỹ sẽ bán ra.
Đây cũng là quan điểm chốt lời của bà Thanh Tâm. Với những nhà đầu tư này, do đã lãi rất nhiều sau quá trình nắm giữ dài hạn, chứ không phải lướt sóng nên thậm chí cổ phiếu giảm sàn 1 - 2 phiên, họ bán ra vẫn có lãi lớn.
Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng chọn cách đầu tư chắc chắn như trên.
Có những nhà đầu tư gọi vui là "chuyên chơi cổ phiếu ruồi". Đó là những cổ phiếu có thị giá rất thấp, doanh nghiệp có đầy thông tin không tích cực như bị kiểm soát đặc biệt, kinh doanh èo uột… Nhưng họ không mua vu vơ.
Một nhà đầu tư mới gia nhập thị trường 2 năm nay kể, nhóm của anh chuyên kiếm những cổ phiếu sắp có câu chuyện như niêm yết cửa sau, có cổ đông lớn gia nhập. Anh này mua cổ phiếu TGG từ những ngày giá dưới 1.000 đồng/cổ phiếu và nay đạt giá gần 20.000 đồng/cổ phiếu. Gần đây, anh mua cổ phiếu JVC khi đọc tin doanh nghiệp này có thêm vài trăm tỷ đồng đầu tư, cổ phiếu sau đó chạy trần vài phiên.
Thực ra, nếu phân tích kỹ thì cách đầu tư trên cũng không khác đầu tư giá trị vì nhà đầu tư đã nhìn được giá hiện nay và giá tiềm năng mà cổ phiếu có thể đạt được sau những biến động ở doanh nghiệp.
Năng lực quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp là điểm mà các nhà đầu tư hiện nay quan tâm hơn rất nhiều. Một trường hợp hay được nhắc đến mà Thế giới Di động, từ bán điện thoại họ đã đa dạng hóa sang bán điện máy, giờ sang Bách Hóa Xanh.
Đó là các ngành hàng có tính cạnh tranh khủng khiếp, có tính chiến đấu liên tục trong thời gian dài, vậy mà họ vẫn thành công.
Chuyển đổi liên tục và thành công ở những lĩnh vực khác nhau là khó khăn, khả năng nghiên cứu phát triển đưa ra sản phẩm mới rất quan trọng để kéo dài tiềm năng tăng trưởng nên những doanh nghiệp có năng lực này có khả năng tạo ra các siêu cổ phiếu.
Thị trường có tăng có giảm, thanh khoản lúc cao, lúc thấp nhưng nếu đầu tư cổ phiếu là một quá trình dài hạn thì cần nhìn theo chu kỳ của nền kinh tế. Ông Lã Giang Trung cho rằng, chu kỳ của các nền kinh tế mà chủ yếu là kinh tế Mỹ theo nghiên cứu của PI thường kéo dài ít nhất 5 năm. Gần nhất chu kỳ 2009 - 2020, trước đó là giai đoạn 2000 - 2007.
Ở Việt Nam, chu kỳ kinh tế vĩ mô cũng khá trùng hợp, tạo đáy vào tháng 3/2009 sau đó đi lên, trong đó có một đợt khủng hoảng nhỏ vào các năm 2011 - 2012, tăng trưởng kết thúc vào 2018. Sau đó, kinh tế rớt xuống từ tháng 3/2020 và tiếp tục đi lên, như vậy, chu kỳ kinh tế này còn dài, tức sự phát triển của thị trường chứng khoán còn dài. Trong một chu kỳ, việc thị trường điều chỉnh 15 - 20% là bình thường, sau đó các chỉ số đều tăng lên và thiết lập các kỷ lục mới.