Thiếu điện, đường dây 500 kV Bắc - Nam căng mình đưa điện ra Bắc

18-06-2023 17:43|Ngọc Anh

Để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đường dây 500 kV Bắc - Nam đang thực hiện truyền tải điện cao từ miền Trung, miền Nam ra.

Từ đầu tháng 5 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, trong khi các nhà máy thủy điện khai thác rất hạn chế do thiếu nước. Để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đường dây 500 kV Bắc - Nam đang thực hiện truyền tải điện cao từ miền Trung, miền Nam ra.

"Canh gác" không ngừng nghỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của những người lính truyền tải điện tại điểm nóng trên tuyến từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa. Từng ngày, từng giờ, dưới nhiệt độ trên 40 độ C, họ đang phơi mình dưới nắng nóng để đảm bảo an toàn cho lưới điện quốc gia.

Nguy cơ bủa vây lưới điện

Theo báo cáo của Truyền tải điện Hà Tĩnh (thuộc Công ty Truyền tải điện 1), bắt đầu từ ngày 19/5 đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023 xuất hiện, tải trên các đường dây 500 kV khu vực Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đường dây 571 Hà Tĩnh – 571 Vũng Áng tăng lên trên 80% định mức.

Nếu như trước đây, công suất truyền tải cao trên tuyến đường dây 500 kV Bắc Nam chỉ từ 2.000 - 2.200 MW thì thời gian gần đây đã thường xuyên tải cao ở mức 2.500 - 2.600 MW, thậm chí có thời điểm tải cao lên tới 2.800 MW - mức tới hạn của hệ thống.

Cùng với đó, chế độ điện áp 500kV tại các nút của trạm biến áp thường xuyên vượt ngưỡng, có thời điểm tại T500VA là 533/525 kV, T500HT 528/525 kV. Các ngăn lộ đường dây 220 kV, có 2 đường dây 220kV (Vinh – Hà Tĩnh 1,2) tình trạng vận hành thường xuyên đầy và quá tải đã xảy ra.

Ngoài ra, đường dây 220 kV Vinh – Hà Tĩnh 1, 2 luôn vận hành ở chế độ đầy tải và trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên một số khoảng cột có pha đất thấp phải cử người canh gác 24/24h. Sơ đồ kết lưới 500 kV khu vực Hà Tĩnh tương đối yếu nên lúc vận hành đầy tải, quá tải đã phát sinh nhiều khiếm khuyết.

Để đảm bảo truyền tải điện luôn được an toàn, ổn định ra miền Bắc, những người "lính truyền tải" đang ngày đêm "canh gác", ứng trực tại trạm biến áp, những cột điện cao thế để xử lý khiếm khuyết khi mà nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C.

Có mặt tại vị trí 66 đường dây 220 kV Vinh - Hà Tĩnh 1, chúng tôi được chứng kiến những công nhân điện làm việc không ngừng nghỉ giữa thời tiết nắng nóng miền Trung. Anh Trần Đình Thành, đội truyền tải điện Hồng Lĩnh - Truyền tải điện Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, mức tải trên tuyến đường dây luôn gần 90% mức tới hạn, do vậy, đội phải thường xuyên kiểm tra, xác định các sự cố có thể xảy ra, với gần như 100% quân số trải đều.

"Thực sự thời tiết năm nay rất nóng, nhiệt độ trên 40 độ C và kéo dài khiến anh em gần như không ngừng nghỉ để đi tuyến. Chúng tôi phải chia thành nhiều tổ, nhóm và 100% quân số luôn trong trạng thái sẵn sàng 24/24h, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra", công nhân Trần Đình Nhân chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Quang Hòa - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) cho biết, thời gian qua do nắng nóng, nhu cầu điện ở miền Bắc tăng cao, dẫn đến lưới truyền tải khu vực phía Bắc; trong đó đường dây 500kV truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc đã tối đa (tới hạn), đặc biệt tuyến Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan đã mang tải đến 2.800 MW. Do vậy, đảm bảo vận hành từ Đèo Ngang đến miền Bắc là yêu cầu tiên quyết và là nhiệm vụ trọng tâm của công ty hiện nay.

"Chưa bao giờ đường dây mang tải cao như hiện nay, nhưng đường dây 500kV vẫn đang được vận hành an toàn", ông Hòa nói.

Theo đó, PTC1 đã tăng cường quản lý, vận hành, đặc biệt là lực lượng hỗ trợ, các phòng ban đơn vị, tổ đội….điều động tất cả thiết bị, vật tư, để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, truyền tải liên tục.

Tuy nhiên theo dự báo từ nay đến cuối tháng 8, tình hình cung ứng điện vẫn căng thẳng, PTC1 xác định tiếp tục tăng cường, nhân lực, thiết bị. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ, đội, ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị như thiết bị bay không người lái (UAV) để bay kiểm soát tất cả tuyến đường dây, xác định các nguy cơ ảnh hưởng an toàn hành lang để xử lý kịp thời. Đồng thời, thực hiện rửa sứ hotline - đây là giải pháp rất hiệu quả trong điều kiện không thể cắt điện giúp đảm bảo vận hành liên tục, cấp điện tối đa cho miền Bắc, ông Phạm Quang Hòa cho biết thêm.

Dự báo sau đợt nắng nóng đợt, khi thủy điện được huy động nhiều hơn, đường dây 500kV Bắc - Nam có thể được giảm tải, PTC1 sẽ sửa chữa triệt để những điểm nóng trên tuyến đường dây, ông Hòa nhấn mạnh.

Xử lý hơn 20 điểm phát nhiệt

Một trong những "điểm nút" khác trên lưới truyền tải khu vực miền Trung đó là khu vực Nghi Sơn - Thanh Hóa. Theo báo cáo của Truyền tải điện Thanh Hóa (Công ty Truyền tải điện 1), từ đầu tháng 5/2023 đến nay nắng nóng liên tục xảy ra, tại khu vực Nghi Sơn nhiệt độ nhiều thời điểm thường xuyên trên 40 độ C, trên các đường dây 500 kV mạch 1,2 do đơn vị quản lý mức mang tải hơn 1.500A.

Đường dây 275, 276 đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 thường xuyên vận hành tải cao do giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và BOT Nghi Sơn 2; đường dây 220 kV Ninh Bình- Bỉm Sơn vận hành thường xuyên mang tải cao hơn 70%, có thời điểm đạt 91% tải.

"Các đường dây 500 kV vận hành vượt quá giới hạn truyền tải khi thường xuyên mang tải hơn 1.500A trong khi các năm trước mức mang tải trên 1.000A. Do đó các điểm tiếp xúc đã bộc lộ khiếm khuyết, như cung đoạn đường dây 500 kV mạch 2 quản lý xuất hiện nhiều điểm phát nhiệt độ với chênh lệch rất cao", báo cáo của Truyền tải điện Thanh Hóa nêu.

Anh Nguyễn Sỹ Long, Trạm trưởng trạm biến áp 220kV Nghi Sơn cho biết: "Thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng nhanh, một số thiết bị vận hành 20 và trên 20 năm nên khiếm khuyết thường gặp phải là phát nhiệt cao. Chúng tôi đã chủ động xử lý hơn 20 điểm phát nhiệt, từ kiểm tra bằng mắt thường đến dùng máy soi phát nhiệt để xử lý sự cố. Đồng thời, huy động nhân lực 24/24h để kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý bất thường xảy ra, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu trên".

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Long, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Yên Thành (Truyền tải điện Nghệ An) chia sẻ, các đợt nắng nóng vừa qua nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C, có thời điểm 44-45 độ C, dòng tải những năm trước thường 1.200A thì năm nay tăng lên 1.400A- 1.600A, đường dây thường xuyên mang tải cao.

Toàn Đội có 20 người, chịu trách nhiệm quản lý vận hành lưới truyền tải 500 kV và 220 kV với tổng chiều dài 138 km, tổng cộng 347 vị trí cột, đi qua các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Thanh Chương, Đô Lương và Thanh Sơn. Do vậy khối lượng công việc là rất lớn.

Để kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết, Đội đã bố trí lực lượng túc trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, soi phát nhiệt, sử dụng UAV có cam nhiệt để kiểm tra, theo dõi đặc biệt các đường dây tải cao, có nguy cơ sự cố…

Anh Nguyễn Văn Trường, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hồng Lĩnh – Truyền tải Điện Hà Tĩnh cũng chia sẻ, từ giữa tháng 5 trở lại đây, nắng nóng gay gắt thường xuyên diễn ra, tại nhiều tuyến đường dây 500kV, 220 kV tải gần như tới hạn, trung bình đạt từ 80-100% định mức. Ngoài tăng cường kiểm tra tuyến; ngày thứ 7, Chủ nhật, 50% quân số lao động tại Đội phải trực tăng cường.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Trường, khi mang tải cao, đường dây sẽ sa xuống nhiều, dễ gây mất an toàn hành lang tuyến, tạo sự cố lớn nên công nhân phải căng mình để tuần tra canh gác, thời gian nghỉ còn ít. Năm nay dòng tải trên 4 đường dây 500 kV tăng lên 80-100% so với định mức, trong khi năm 2022 chỉ tăng mạnh trên đường dây 220kV.

Việc mang tải cao dẫn đến độ giãn của đường dây lớn gây độ võng đường dây cao, xác xuất các phương tiện cây cối dễ vi phạm hành lang an toàn. Vì vậy, công nhân phải túc trực liên tục, sẵn sàng ứng phó, xử lý, hạn chế tối đa, ngăn chặn những sự cố có thể xảy ra cho lưới điện.

Trong bối cảnh nắng nóng, người lao động phải liên tục "căng mình" trên tuyến để đảm bảo "dòng chảy điện" không ngừng, ban lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và công đoàn các truyền tải điện đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động.

Ngay trong ngày 16-17/6, đoàn công tác của EVNNPT do Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Tuấn Tùng và Chủ tịch Công đoàn Trịnh Tuấn Sơn dẫn đầu đã đến thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân lao động tại các Truyền tải điện: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Trịnh Tuấn Sơn chia sẻ, trong năm 2023 cũng như Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Công đoàn Tổng công ty tập trung hướng đến các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động và giảm căng thẳng cho người lao động, nhất là đối với những cán bộ, công nhân quản lý, vận hành đường dây, trạm biến áp có đặc thù công việc căng thẳng. Công đoàn Tổng công ty đã yêu cầu công đoàn các cấp cơ sở tăng cường bám sát hiện trường, động viên, hỗ trợ kịp thời để có thể nâng cao chất lượng đời sống, điều kiện làm việc cho người lao động một cách hợp lý.

"Chủ trương chung của EVNNPT, cố gắng quan tâm tạo điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho công nhân trong điều kiện nắng nóng gay gắt, công việc áp lực cao", ông Trịnh Tuấn Sơn nói.

Rõ ràng, khi tải tăng cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nguy cơ mất an toàn lưới điện sẽ là rất lớn. Vì vậy, việc nhanh chóng đầu tư xây dựng, hoàn thiện đoạn tuyến đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Vũng Áng trở ra Bắc là vô cùng cần thiết, vừa tăng năng lực truyền tải điện cho miền Bắc, vừa góp phần đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Nhiều hồ thủy điện xuống sát mực nước chết

Công suất phụ tải tăng mạnh, EVN miền Bắc kêu gọi tăng cường tiết kiệm điện

Chính phủ đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để kéo điện ra Côn Đảo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thieu-dien-duong-day-500-kv-bac-nam-cang-minh-dua-dien-ra-bac-188295.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thiếu điện, đường dây 500 kV Bắc - Nam căng mình đưa điện ra Bắc
POWERED BY ONECMS & INTECH