Thời điểm tối kỵ uống cà phê
Bạn không nên uống cà phê khi đang dùng một số loại thuốc chữa bệnh tuyến giáp, loãng máu hay lúc đang lo lắng, mang thai, cho con bú.
Cà phê là một phần thiết yếu trong thói quen hằng ngày của nhiều người. Bên cạnh tác dụng cung cấp năng lượng, giúp tỉnh táo, caffeine trong cà phê còn có mối quan hệ phức tạp với các loại thuốc. Hiểu cách caffeine tương tác với thuốc rất quan trọng để chăm lo sức khỏe của bạn hiệu quả và tránh các biến chứng tiềm ẩn.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Harris-Pincus cảnh báo: “Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương được tiêu thụ phổ biến nhất. Loại chất này giúp bạn tỉnh táo, bớt mệt mỏi, có thể tác động đến trí nhớ, học tập. Caffeine thường có nhiều nhất trong cà phê, trà, ca cao. Caffeine có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của một số loại thuốc”.
Theo Eating Well, dưới đây là tác dụng phụ của caffeine khi dùng cùng lúc với một số loại thuốc:
Tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cà phê cùng thuốc làm loãng máu
Chuyên gia Harris-Pincus thông tin caffeine có thể tương tác với các chất làm loãng máu như warfarin. Warfarin phát huy tác dụng bằng cách ức chế hoạt động của vitamin K, một chất rất quan trọng cho quá trình đông máu. Caffeine có thể cản trở quá trình chuyển hóa của warfarin, có khả năng gây loãng máu và tăng nguy cơ chảy máu.
Có thể làm giảm hấp thụ thuốc tuyến giáp
Caffeine có khả năng cản trở sự hấp thu của một số loại thuốc tuyến giáp, chẳng hạn như levothyroxine điều trị chứng suy giáp. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy caffeine có nguy cơ làm giảm sự hấp thu levothyroxine trong đường tiêu hóa, dẫn đến giảm hiệu quả.
Có thể tăng cường tác dụng của thuốc ADHD
Methylphenidate và amphetamine thường được kê đơn để cải thiện khả năng tập trung ở những người mắc chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, caffeine có thể tương tác với những loại thuốc trên, làm tăng tác dụng kích thích của chúng. “Các loại thuốc điều trị ADHD kết hợp với caffeine dễ làm tăng cảm giác lo lắng, mất ngủ, bồn chồn và các vấn đề tiềm ẩn về tim”, chuyên gia Harris-Pincus cho biết.
Có thể tương tác với thuốc tránh thai
Theo Viện Y tế Quốc gia, caffeine có thể tương tác với thuốc tránh thai đường uống và ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa estrogen. Một số nghiên cứu cho thấy caffeine làm tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống. Chuyên gia Harris-Pincus giải thích: “Thuốc tránh thai đường uống có thể ức chế enzyme chịu trách nhiệm phân hủy caffeine nên bạn cảm thấy tác dụng kéo dài hoặc rõ rệt hơn”.
Ai nên tránh uống cà phê?
Theo đánh giá năm 2023, những người đang mang thai nên hạn chế tiêu thụ caffeine vì có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và các biến chứng thai kỳ khác. Nếu bạn đang ở tình trạng lo lắng hoặc hoảng loạn, caffeine dễ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, một số vấn đề về tim, huyết áp cao hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) sẽ bị caffeine làm cho triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
“Những người bị huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, trào ngược dạ dày thực quản, đau nửa đầu, rối loạn giấc ngủ, đang dùng một số loại thuốc, mang thai, cho con bú nên nói chuyện với bác sĩ về lượng caffeine nên tiêu thụ”, chuyên gia Harris-Pincus khuyên.
Lượng caffeine nên uống mỗi ngày để đảm bảo an toàn
Viện Y học Quốc gia Mỹ tuyên bố liều lượng caffeine không quá 400mg mỗi ngày được coi là ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, độ nhạy cảm với caffeine khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính và cân nặng. Một số người có thể gặp tác dụng phụ ở liều thấp hơn, trong khi những người khác có thể dung nạp liều cao hơn mà không gặp vấn đề gì.
Một tách cà phê 236ml chứa từ 95 đến 200mg caffeine, một tách trà chứa từ 14 đến 60mg.
>> Sập tấm bê tông làm cô giáo tử vong: Giám định việc xây dựng quán cà phê
Sập tấm bê tông làm cô giáo tử vong: Giám định việc xây dựng quán cà phê
Giá cà phê hôm nay 10/6: nhận định giá tuần này, hướng giảm chiếm ưu thế