Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 4: Dùng công nghệ "khắc chế" công nghệ

19-06-2023 09:30|NGUYỄN GIANG

Chuyên gia cho rằng, dùng công nghệ để “khắc chế” công nghệ là một giải pháp được nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và triển khai hiệu quả công tác thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới…

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-4-can-su-dung-chia-khoa-cong-nghe-2.jpg
 Hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa

Theo đó, hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua số thu ngân sách trong năm 2022 và hai quý  đầu trong năm 2023, cùng với số nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê, khai nộp thuế Thông qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài tăng mạnh.

Song, trên thực tế công tác quản lý hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn và cả những khoảng trống điều chỉnh của pháp luật. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp chặt chẽ và quyết liệt hơn…

Đưa ra quan điểm xung quanh vấn đề này, TS. Vũ Xuân Dũng (Trường đại học Thương mại) cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay là cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý thuế theo hướng thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo TS. Vũ Xuân Dũng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia về vấn đề này. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, các cơ quan thuế địa phương thành lập tổ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế có kinh nghiệm. Ở Hàn Quốc, trong các cơ quan thuế địa phương có phòng quản lý thuế đối với thương mại điện tử với nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích xu hướng của các ngành nghề liên quan đến thương mại điện tử và các nghi vấn về trốn thuế.

Do đó, vị chuyên này cho rằng, Việt Nam cũng nên cho phép cơ quan thuế các cấp hình thành bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử nhằm đảm bảo tính chuyên môn hóa sâu và nâng cao hiệu quả quản lý.

Cũng theo TS. Vũ Xuâng Dũng, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ, công chức thuế chuyên trách trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử là một yêu cầu trọng tâm. Một mặt, ngành thuế cần tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, trao đổi chuyên gia trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về thương mại điện tử và các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ trong tìm kiếm, truy vết, phân tích dữ liệu,… để nhận biết và thu thập bằng chứng về các gian lận, vi phạm về thuế trong thương mại điện tử. Mặt khác, ngành thuế cần hình thành các diễn đàn trao đổi kiến thức, kỹ năng trong quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với thương mại điện tử nói riêng.

“Tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng kho dữ liệu của ngành thuế theo hướng tăng cường sử dụng các ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ Bigdata, IOT và AI để kết nối, thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Nhà nước, đồng thời tích hợp chức năng thu thập thông tin từ các trang mạng xã hội, các trang web bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến,… để đảm bảo có thể thu thập đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử”, TS. Vũ Xuân Dũng góp ý.

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-4-can-su-dung-chia-khoa-cong-nghe-1.jpg

Trên thực tế công tác quản lý thuế thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn và cả những khoảng trống điều chỉnh của pháp luật. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp chặt chẽ và quyết liệt hơn. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, PGS-TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, để quản lý thuế của “ông lớn” công nghệ,  điều cốt lõi là áp dụng các phần mềm công nghệ cao nhất. Bởi nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là dựa trên công nghệ và internet nên khi triển khai các giải pháp cần gắn với công nghệ. Xuất phát từ đặc điểm vốn có của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là sử dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số và Internet để thực hiện các giao dịch.

“Như vậy thì chúng ta tăng cường công nghệ để kiểm soát. Nhưng hiện nay vấn đề cốt yếu nhất là công nghệ của chúng ta cần phải tiếp tục đầu tư vì nó chưa đáp ứng để kiểm soát được các hoạt động thương mại điện tử", PGS-TS. Lê Xuân Trường chia sẻ. 

Theo vị chuyên gia này, dùng công nghệ để “khắc chế” công nghệ cũng là giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai hiệu quả.

“Như Hàn Quốc có phần mềm dò tìm giao dịch tự động để  tìm những giao dịch đáng ngờ để tổng hợp lại, phân tích sâu thêm. Từ đó, cơ quan thuế và cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục có biện pháp để kết luận là nội dung đó là đúng để giao dịch thương mại tử và có đúng là đã không kê khai hay không”, PGS-TS. Lê Xuân Trường lấy minh chứng.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD

Tiểu thương chợ truyền thống lo ngay ngáy vì ế ẩm

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-4-dung-cong-nghe-khac-che-cong-nghe-246001.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 4: Dùng công nghệ "khắc chế" công nghệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH