Vĩ mô

Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

baochinhphu.vn 10/06/2024 07:57

Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả.

Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 02 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, quan trọng của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06; xin chúc mừng hai đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trọng trách cao hơn.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, "ngủ quên trong chiến thắng". Cách đây 01 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).

Với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và thất thoát thuế, Hội nghị sẽ tập trung sơ kết 01 năm triển khai tháo gỡ các "điểm nghẽn" của Đề án 06 và thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào các vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18 với tinh thần khách quan, trung thực, "không tô hồng, không bôi đen"; nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp để hóa giải khó khăn, thách thức, bất cập, từ đó chuyển đổi trạng thái nhanh (như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...).

Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18 (như phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử...).

Thứ ba, chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả, bền vững hơn nữa.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Báo cáo kết quả 01 năm triển khai Công văn số 452/TTg-KSTT, ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Báo cáo kết quả 01 năm triển khai Công văn số 452/TTg-KSTT, ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết: Phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, thương mai điện tử của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo. Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56 ngày 26/6/2024.

Có 4 nội dung giao cho Bộ Tài chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.

Về hoàn thiện pháp lý, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các nghị định 72 năm 2013, Nghị định 59 và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Công an, có 3 việc Bộ Tài chính đã hoàn thành. Thứ nhất là nghị định về chi thường xuyên cho các dự án đã có, hiện nay đã trình và đang chờ Chính phủ ban hành. Thứ hai, nghị định về giá dịch vụ công đã hoàn thành, đang trình. Thứ ba là vấn đề phân bổ vốn cho các bộ, ngành, chúng tôi đã phân bổ vốn cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thủ tướng cũng đã có quyết định. Còn các bộ, ngành khác theo đăng ký từ đầu năm. Như vậy, chưa phân bổ, chưa báo cáo Thường vụ Quốc hội vì phải chờ Nghị định về vấn đề chi thường xuyên.

Tuy nhiên có 2 vấn đề. Thứ nhất, một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và thực hiện về thương mại điện tử, phát triển công nghệ thông tin. Về phân cấp quản lý quản lý ngân sách, phải dùng ngân sách địa phương nhưng có những địa phương ngân sách yếu, Nhà nước phải hỗ trợ. Một số bộ, ngành cũng chưa có đăng ký từ đầu năm, nên cơ sở phân bổ rất khó. Sau khi các bộ, ngành có đề xuất, chúng tôi đề xuất Thủ tướng có thể dùng 1 phần dự phòng ngân sách để cấp cho phần này.

Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đã đạt 97,57%. Đây là một sự tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp thì mới chia sẻ được.

Cùng với Bộ Công Thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.

Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, đã thống nhất danh mục dữ liệu kết nối, chia sẻ với Bộ Tài chính (Cơ quan thuế) 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.

Về kê khai, nộp thuế, Bộ Tài chính đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Về kết quả quản lý thuế với thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền, Bộ Tài chính đã triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đến nay đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn. Đối với việc áp dụng HĐĐT trong lĩnh vực kinh doanh vàng thì 100% các doanh nghiệp (9.419 DN) đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp HĐĐT khởi tạo từ MTT với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.

Theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024 thì ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, trong đó: cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Về số thu Ngân sách Nhà nước: Số liệu quản lý thuế trong 02 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 NCCNN đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Thứ hai, rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến thương mại điện tử từ năm 2014, cho nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa.

Thứ ba, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Thứ tư là định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa.

Thứ năm, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Thứ sáu, sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Thứ bảy, quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tham luận tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Để khắc phục các điểm nghẽn về pháp lý phục vụ triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào ưu tiên chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của tổ công tác. Với sự tập trung triển khai của Bộ Tư pháp và tổ công tác, sự phối hợp của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ TT&TT, công tác rà soát văn bản đã đảm bảo đúng tiến độ.

Kết quả rà soát, kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai Đề án 06 (bao gồm cả rà soát văn bản theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023) như sau: Số văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý là 328 văn bản, trong đó: Văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương: 234 văn bản (gồm: 19 luật; 73 nghị định; 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 130 thông tư; 11 thông tư liên tịch; 1 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao), liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của 20 bộ, ngành.

Văn bản quy phạm pháp luật của 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 94 văn bản (21 nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; 72 quyết định của UBND cấp tỉnh, 1 chỉ thị của UBND cấp tỉnh).

Kết quả cho ý kiến độc lập của Tổ công tác cho thấy, văn bản các bộ, ngành, địa phương rà soát và kiến nghị xử lý tập trung ở một số nội dung: Bổ sung phương thức thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cắt giảm, đơn giản hóa mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu dữ liệu công dân, xuất trình giấy tờ chứng minh, sử dụng bản sao; sử dụng biểu mẫu điện tử; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Bổ sung quy định về việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia khác, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực theo hướng: Khai thác, sử dụng thông tin trong các Cơ sở dữ liệu để không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, tài liệu, thông tin đã được lưu trữ trong các Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Bổ sung quy định về giá trị sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, giá trị sử dụng của các thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, xử lý vi phạm hành chính.

Bổ sung quy định về giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử và việc xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự qua ứng dụng VNeID.

Thông qua hoạt động rà soát, các cơ quan đã xác định lộ trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản cơ bản trong giai đoạn năm 2023-2025.

Về rà soát, điều chỉnh, thống nhất phương án đơn giản hóa lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành thực thi đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017-2018

Theo phương án tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017-2018: Tính đến nay, còn 336 TTHC được quy định tại 77 văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện phương án thực thi hoặc mới thực thi một phần (gồm quy định tại 4 luật, 20 nghị định, 10 thông tư liên tịch, 43 thông tư).

Qua rà soát, các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất tiếp tục thực thi phương án đơn giản hóa đối với 317 TTHC được quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật (1 luật, 26 nghị định, 8 thông tư liên tịch, 30 thông tư); không tiếp tục thực thi phương án đối với 19 TTHC vì đã có những quy định cập nhật.

Theo đó, phương án đề xuất xử lý hiện nay của các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào các vấn đề sau: Đề xuất thay đổi phương án đơn giản hóa đối với TTHC có liên quan đến giấy tờ công dân, các thông tin của công dân có trong các mẫu đơn, tờ khai... để bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đề xuất lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật tập trung trong năm 2024, một số văn bản trong năm 2025 và căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản của Quốc hội (đối với luật, nghị định).

Cập nhật văn bản quy phạm pháp luật có chứa TTHC cần xử lý để thực thi phương án đơn giản hóa so với thời điểm các Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, do trong thời gian vừa qua, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC đã thay đổi (văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hết hiệu lực nhưng văn bản được ban hành sau chưa thực thi phương án đơn giản hóa theo yêu cầu tại các Nghị quyết).

Cập nhật một số TTHC đã bị bãi bỏ, không còn được thực hiện hoặc có phương án thực thi không chính xác tại các Nghị quyết trước đây.

Qua quá trình triển khai thời gian qua, Bộ Tư pháp có một số đánh giá chung. Đó là, việc rà soát văn bản để phục vụ triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ khó, phạm vi văn bản rà soát rộng, mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực chưa tương xứng với khối lượng, tính chất nhiệm vụ.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các bộ, cơ quan, địa phương nhận được nhiều chỉ đạo, yêu cầu thực hiện rà soát văn bản có phạm vi rà soát (về cả nội dung và thời gian) có sự đan xen, giao thoa dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo.

Một số bộ, cơ quan chưa kịp thời gửi thông tin, báo cáo về Bộ Tư pháp, ảnh hưởng tới tiến độ tổng hợp, xây dựng Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, nghiêm túc, tập trung thực hiện rà soát, bảo đảm thời hạn, chất lượng theo chỉ đạo.

Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy các khó khăn về pháp lý và thể chế đã được nhận diện, đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận diện theo các quy định pháp luật để tạo tiền đề thành công Đề án 06 nói riêng và xây dựng Chính phủ số, kinh tế số nói chung.

Bộ Tư pháp nhất trí với các đề xuất của Bộ Công an về những đề nghị hoàn thiện thể chế liên quan đến triển khai Đề án 06 như Thứ trưởng Bộ Công an vừa báo cáo.

Về đề xuất, kiến nghị, Bộ Tư pháp đề nghị đối với việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại văn bản số 2635 ngày 21/4/2024 về ban hành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát, bổ sung…

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề ra, bám sát tiến độ thực hiện Đề án 06 để xử lý hiệu quả kịp thời.

Các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực bảo đảm công tác rà soát văn bản, xây dựng văn bản được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật đã có kế hoạch, chương trình sửa đổi, bổ sung.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử, Bộ Tư pháp nhất trí cao với các giải pháp về thể chính mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý rà soát các quy định triển khai Đề án 06 và thực thi các giải pháp, phương án đơn giản hoá quy định liên quan đến thủ tục hành chính, kinh doanh liên quan đến công dân đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là vấn đề chia sẻ, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh giao dịch điện tử, thương mại điện tử, tăng cường chuyển đổi các giao dịch theo phương thức truyền thống sang môi trường điện tử, trong đó có giao dịch các thủ tục hành chính qua ứng dụng VneID, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Về sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

Luật này đã quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu, góp phần tháo gỡ bất cập vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, trong đó có việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cụ thể Điều 22 của Luật đã cho phép đấu thầu hạn chế đối với gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật và tính chất đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai là Điều 23 của Luật Đấu thầu cho phép áp dụng các hình thức chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện trên thị trường do yêu cầu về các giải pháp công nghệ. Ngoài ra các quy định về ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất có xuất xứ Việt Nam, trong đó các sản phẩm công nghệ thông tin và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin được quy định trên nguyên tắc khuyến khích hỗ trợ các sản phẩm trong nước và sản phẩm có tính chất đổi mới sáng tạo giúp cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch trên cơ sở Luật Đấu thầu.

Bộ cũng tham mưu cho cho Chính phủ ban hành Nghị định 24 hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu cũng đã tháo gỡ một số điểm nghẽn của Đề án 06: Thứ nhất là đã bổ sung đối tượng được ưu đãi dịch vụ công nghệ thông tin; việc ưu đãi dịch vụ công nghệ thông tin cách xác định hàng hóa có xuất sứ Việt Nam đối với các sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin. Thứ hai là quy định một trong những căn cứ xác định giá gói thầu và dự toán nếu pháp luật chuyên ngành có quy định về việc lập dự toán và có hướng dẫn về định mức và đơn giá.

Tiếp theo đó, Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư này đã cơ bản giải quyết được những điểm nghẽn của Đề án 06, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành căn cứ để triển khai các nhiệm vụ được giao.

Nội dung thứ hai liên quan đến việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số, như báo cáo của Bộ Công an, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách Trung ương bố trí cho ngành công nghệ thông tin là 12.077,776 tỷ đồng; ngoài ra, tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bố trí 4.421 tỷ đồng cho 19 dự án chuyển đổi số của 08 bộ, cơ quan Trung ương. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực để triển khai thực hiện.

Về bố trí nguồn lực cho Bộ Công an triển khai Đề án 06, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho 03 dự án của Bộ Công an. Ba dự án này cũng đã được giao kế hoạch 2024 đối với các bộ, ngành và địa phương khác. Chúng tôi cũng đã gửi Công văn 3141 ngày 25/4/2024 hướng dẫn trên tinh thần là các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án chưa triển khai thực hiện đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 thì bố trí cho các nhiệm vụ của Đề án 06. Thứ hai là các địa phương báo cáo với HĐND ưu tiên bố trí các nhiệm vụ phát sinh mà chưa được bố trí trong trung hạn.

Chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm để triển khai nhanh hơn các nhiệm vụ của Đề án 06. Có thể tham mưu theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính số 4193 ngày 22/4/2024, có thể ưu tiên thuê các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc góp vốn để có thể thực hiện theo hình thức PPP trong lĩnh vực này.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và triển khai các quy định mới về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với thương mại điện tử cũng như là các mô hình kinh doanh trên nền tảng số; đồng thời sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân ngành kinh doanh để quy định cụ thể các ngành, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ để đảm bảo tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Thành phố thống nhất với báo cáo của Bộ Công an đã trình bày và báo cáo tham luận của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều ý kiến cụ thể, quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tại

Hội nghị hôm nay, tôi xin báo cáo kết quả thực hiện và nêu một số khó khăn của Thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành một số nội dung, cụ thể:

Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó tập trung việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, số hóa và lưu trữ kho hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại quận huyện, sở ban ngành theo định danh cá nhân…

Một số kết quả Thành phố Hồ Chí Minh đạt được đã có đề cập trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ tổng hợp tại Hội nghị.

Đến nay, Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách do các nguyên nhân khách quan và chủ quan:

Về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành. Ví dụ:

Đối với 02 nhóm thủ tục liên thông "Khai sinh – Khai tử" chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 02 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Về thu thập dữ liệu công dân: Một số trường hợp nhân khẩu có Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin "Quốc tịch" trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về thực hiện Mô hình điểm: Mô hình triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe: Thành phố đã có ý kiến gửi Cục Đường bộ Việt Nam về điều chỉnh phần mềm Quản lý giấy phép lái xe cho Cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký học. Tuy nhiên, đến nay Cục Đường bộ Việt Nam chưa điều chỉnh phần mềm.

Mô hình học bạ số: Học bạ số mỗi năm sẽ được cấp mã tra cứu học bạ số (mã UUID) phát sinh thêm 01 mã ngoài mã định danh công dân. Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển học bạ số từ dữ liệu điện tử ký số sang bản giấy. Những vướng mắc trên gây khó khăn cho người dân trong việc quản lý hồ sơ và khó khăn trong công tác quản lý của các trường đối với những học sinh thường xuyên chuyển trường giữa các tỉnh khác nhau.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành một số nội dung sau:

Về thể chế:

- Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa phụ lục 1 về việc bãi bỏ việc yêu cầu công dân đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (vì trái quy định của Luật Cư trú) khi thực hiện 02 thủ tục liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Bộ Tư pháp tháo gỡ đối với các trường hợp Giấy khai sinh công dân có sử dụng những ký tự đặc biệt, Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng duy nhất mã định danh công dân khi thực hiện mô hình học bạ số và quy định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển học bạ số từ dữ liệu điện tử ký số sang dữ liệu giấy.

Về dịch vụ công:

- Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trao đổi các Bộ, ngành nghiên cứu giải pháp khi người dân nộp hồ sơ điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, ngành, địa phương bằng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo chủ trương của Chính phủ thì không cần phải ký số điện tử. Để từ đó, giảm bớt chi phí khi người dân sử dụng dịch vụ ký số, giảm bớt các thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công.

- Bộ Công an Cập nhật phần mềm liên thông Đăng ký khai tử -

xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí được chọn mối quan hệ chủ hộ đối với trường hợp xoá đăng ký thường trú chủ hộ.

- Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải tích hợp, điều chỉnh phần mềm quản lý Giấy phép lái xe phân hệ cho Cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Y tế chia sẻ dữ liệu về người dân Thành phố từ các cơ sở dữ liệu do các cơ quan, bộ, ngành đang quản lý (ít nhất 01 tháng/lần) để làm cơ sở dữ liệu triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố.

- Bộ Tư pháp nâng cấp cổng đồng bộ dữ liệu Hộ tịch, Lý lịch tư pháp thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu Hộ tịch, Lý lịch tư pháp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính địa phương.

- Văn phòng Chính phủ nâng hiệu năng Cổng thanh toán trực tuyến đảm bảo tốc độ phản hồi thông tin nhanh, không bị mất thông tin, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính toàn trình.

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan thường trực Đề án 06, vừa qua, Thành ủy tiếp tục có một văn bản sau Chỉ thị 24 về chuyển đổi số thực hiện Đề án 06. Chúng tôi đang tập trung triển khai chỉ đạo của Thành ủy và ban ngành. Thành phố cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, báo cáo các vướng mắc, đề xuất của Thành phố. Rất mong Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung tháo gỡ.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chia sẻ về việc thực hiện Đề án 06 tại Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy: Triển khai Văn bản 452 của Thủ tướng, chúng tôi cũng nhận diện được những điểm nghẽn. Được sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, chúng tôi đã giải quyết được gần hết những điểm nghẽn đã xác định. Thứ nhất là về thể chế, thứ hai là hạ tầng công nghệ thông tin, thứ ba là dịch vụ công trực tuyến, thứ tư là dữ liệu và thứ năm là nhân lực.

Đến nay, về thể chế, chúng tôi đã ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh và cũng đã chủ động rà soát tất cả quy trình tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân theo quy trình 5 bước trong đó đã sử dụng chữ ký số, điện tử trong toàn bộ quy trình thủ tục hành chính.

Về công nghệ thông tin chúng tôi đã chủ động triển khai 7 giải pháp, trong đó có tích hợp trung tâm dữ liệu của tỉnh, 6 giải pháp cơ bản được Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ TT&TT hướng dẫn.

Về dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi đã ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các địa phương với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước; chỉ đạo cán bộ thay đổi tư duy từ làm thay làm hộ công dân sang hướng dẫn công dân, bố trí cán bộ tại tất cả trung tâm hành chính công của tỉnh, huyện, bộ phận 1 cửa cấp xã.

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu 100% trung tâm dịch vụ công của tỉnh, huyện và trên 95% của cấp xã phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay chúng tôi bố trí 100% kinh phí cho công an cấp xã để mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số.

Vừa rồi, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi quyết tâm đưa hệ thống giải quyết hành chính qua ứng dụng VNeID, bắt đầu thực hiện từ 1/7/2024.

Về dữ liệu, chúng tôi hoàn thành kết nối dữ liệu quốc gia. Đến nay chúng tôi có 14 dữ liệu quốc gia của 14 bộ, ngành Trung ương trong đó có 8 dữ liệu đang khai thác và 6/14 dữ liệu đang được thử nghiệm. Chúng tôi cũng đã triển khai số hóa 100% thủ tục hành chính tại tất cả trung tâm hành chính công của tỉnh, huyện và cấp xã.

Chúng tôi đã đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch và đưa vào khai thác.

Về nguồn lực, chúng tôi cũng đã triển khai đến tất cả địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đã triển khai đào tạo trên 43.000 lượt cán bộ công chức, viên chức làm việc.

Thời gian qua, triển khai Đề án 06, chúng tôi cũng đăng ký 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đến nay thực hiện cơ bản xong 10/11 nhiệm vụ này và tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ nữa là thu phí tại các điểm đỗ tiện ích.

Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho Quảng Ninh cũng như các địa phương khác một số việc như sau:

Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM. Có một số nội dung liên quan đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính mà phải ký trực tiếp, phôi in sẵn như bằng lái xe, lý lịch tư pháp, chúng tôi đề nghị phải hướng dẫn để tích hợp vào phần mềm ký số. Phải tích hợp được, in ra mà ký thì không đồng bộ.

Thứ hai, phần mềm thông tin đất đai, Bộ TN&MT hỗ trợ Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tham gia hệ thống này, chúng tôi cũng đang xây dựng phần mềm của tỉnh. Tuy nhiên, vừa rồi Bộ TN&MT đang xây dựng hệ thống quốc gia, chúng tôi mong muốn tham gia ngay từ đầu thử nghiệm luôn trên địa bàn Quảng Ninh.

Thứ ba, chúng tôi cũng mong muốn sửa đổi Nghị định 73 của Bộ TT&TT , Luật Giao dịch điện tử sớm được ban hành, áp dụng trên địa bàn toàn quốc để việc chuyển đổi số thuận lợi hơn.

CẬP NHẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Thời gian qua, triển khai Đề án 06 và Chỉ thị về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung công tác hoàn thiện thể chế về hệ thống thanh toán quốc gia, chính sách đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật...

Chỉ thị 18 đã chỉ đạo nhiều nội dung cụ thể đã giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Đề án 06. Chỉ thị này vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa tăng ngân sách Nhà nước… đã chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử.

Đối với nhiệm vụ này, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào tháng 1/2024 và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030.

Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát để ban hành những quy định mới theo thông tư hướng dẫn theo những quy định mới của Luật sửa đổi và theo Nghị định 52, đồng thời đảm bảo tương thích theo những quy định khác của pháp luật.

Song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thông suốt, an toàn.

Đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân. Các dịch vụ thanh toán mới rất an toàn, thiết thực, tiện lợi cho người dân như thanh toán qua QR Code…

Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.

Tất cả những hình thức này đã giúp cho chúng ta chuyển đổi số.

Nhiệm vụ tiếp theo mà NHNN được giao là thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế.

Với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11/2023 NHNN đã làm việc với cơ quan thuế, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

NHNN cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thống nhất giao Tổng cục Thuế là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế từ các tổ chức tín dụng để cho phép các cơ quan quản lý thuế khác khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.

Về khó khăn, vướng mắc, trong quá trình triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 phát sinh một số vướng mắc như sau: Thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chính vì vậy, thời gian tới, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên các quy định của pháp luật và cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hoá về dữ liệu, quy định về phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.

Thủ tướng: Việc làm lợi cho người dân, doanh nghiệp quyết định thành công của Đề án 06

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

Các tập đoàn lớn Facebook, Google, Tiktok… nộp 15.600 tỷ đồng tiền thuế thương mại điện tử

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/cap-nhat-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-so-ket-1-nam-thao-go-diem-nghen-trong-trien-khai-de-an-06-va-day-manh-ket-noi-chia-se-du-lieu-phuc-vu-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-102240610071259328.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử
    POWERED BY ONECMS & INTECH