Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử.
Tại Phiên chất vấn chiều 4/6 về thu thuế trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế trên sàn TMĐT.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn TMĐT xuyên biên giới.
Cơ quan đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế trên sàn TMĐT (Ảnh: VGP/LS) |
Theo đó, Bộ Tài chính đã chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn TMĐT, kiểm tra đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối. Ngoài ra, Bộ cũng cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước 144 triệu tài khoản, gồm 10 triệu tài khoản tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng.
"Về kết quả thực hiện, năm 2022, đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được 50.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Đặc biệt, có 96 nhà cung cấp nước ngoài với những cái tên lớn như Facebook, Google, Tiktok... đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Các tập đoàn lớn này hiện đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.
Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ cho biết, trên môi trường điện tử, Bộ Tài chính tập trung thu thuế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế hỗ trợ thực hiện thu thuế trên trên sàn TMĐT để đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, những năm qua, TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động này đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại. Năm 2023, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2022 và được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Bộ Công Thương cũng cho biết, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… |
>> Hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội không cản bước được dòng người xếp hàng mua vàng
Hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội không cản bước được dòng người xếp hàng mua vàng
Bộ Công an sẽ triển khai tính năng ‘Cúng dường trực tuyến’ tới tất cả các chùa trên toàn quốc