Thủ tướng: Có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc tràn lan sữa giả, thuốc giả, yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc
Gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng được phát hiện như sữa giả, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hoá, hàng giả tại TP. HCM...
Ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và cơ quan Trung ương nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng đầu năm 2025, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thị trường, kiểm soát hàng hóa lưu thông, bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như duy trì an ninh, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ tình trạng vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ việc nghiêm trọng bị phát hiện gần đây như vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả tại Phú Thọ, hàng giả tại TP. HCM…
Thủ tướng cũng cảnh báo về thực trạng hàng giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, bên cạnh hiện tượng thao túng thị trường, găm hàng, đẩy giá... gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng, làm rối loạn trật tự xã hội và gây thất thu ngân sách Nhà nước.

"Đây là vấn đề nghiêm trọng", Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ hiện tượng buông lỏng quản lý tại một số cơ quan, địa phương; đồng thời đặt ra vấn đề về sự thiếu trách nhiệm, tình trạng chồng chéo trong quản lý, cũng như việc bỏ sót nhiệm vụ trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trong năm 2025, tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, kinh tế duy trì đà tăng trưởng ổn định; lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như hoạt động vận tải qua các cửa khẩu, biên giới gia tăng.
Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu và vùng biển, nhiều hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm nổi lên, trong đó có ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Thống kê trong 4 tháng đầu năm cho thấy, các đơn vị chức năng và địa phương đã phát hiện, xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong số này, hơn 8.200 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và thuế; hơn 1.100 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Các vụ việc trên đã mang lại số tiền thu nộp ngân sách hơn 4.897 tỷ đồng. Gần 1.400 vụ việc bị khởi tố hình sự, với hơn 2.100 đối tượng liên quan.
Ban Chỉ đạo 389 đánh giá tình trạng nhập lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn rất phức tạp. Ngoài ra, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để trục lợi ngày càng tinh vi.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Ban Chỉ đạo, không chỉ xuất phát từ việc hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ mà còn do nhận thức, trách nhiệm chưa đầy đủ của một số lãnh đạo địa phương, đơn vị và lực lượng chức năng. Có nơi còn xảy ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi phát hiện vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Sự phối hợp giữa các lực lượng như công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đơn vị đang trong quá trình sắp xếp lại bộ máy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các cơ quan cần khẩn trương khắc phục những bất cập này, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát hàng hóa. Đây là những yếu tố then chốt để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hướng tới môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và ổn định.
Chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam thu hồi 4 sản phẩm của công ty sản xuất thuốc giả
Dân lo lắng sữa giả, thuốc giả tràn lan, Phó Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo nóng