Dân lo lắng sữa giả, thuốc giả tràn lan, Phó Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo nóng
Trước những lo lắng của người dân về tình trạng sữa giả, thuốc giả lưu thông trên thị trường, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với lực lượng liên quan kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc, sữa.
Chiều 24/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các xã của huyện Hòa Vang. Tại buổi tiếp xúc, ông Phan Văn Phước (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hoà Vang) cho biết, cử tri rất bức xúc và lo lắng về tình trạng sữa giả, thuốc giả lưu thông tràn lan trên thị trường bất chấp sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng.
Theo ông Phước, những sản phẩm này ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân, trong đó chủ yếu là trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị tiểu đường, xương khớp…
Đáng nói, các đường dây sản xuất sữa giả, thuốc giả còn sử dụng nhóm người nổi tiếng quảng cáo khiến người tiêu dùng “mắc bẫy” ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
“Vấn nạn này cực kỳ nguy hiểm. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp xử lý triệt vấn nạn này trong thời gian tới để tạo được niềm tin cho người dân và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”, ông Phước nói.

Thông tin với cử tri, ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, hoạt động sản xuất thuốc giả, sữa giả rất tinh vi. Mới đây, ngày 21/4, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược.
Từ chỉ đạo này, Sở Y tế Đà Nẵng đang thành lập đoàn kiểm tra về kinh doanh thuốc trên địa bàn. Dự kiến, ngày 26/4 sẽ tổ chức đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh được.
“Chúng tôi đang thực hiện rất quyết liệt vì đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh những sản phẩm nằm trong danh sách 21 sản phẩm thuốc giả do Bộ Y tế công bố (4 sản phẩm thuốc, 17 sản phẩm liên quan đến dược liệu), lực lượng thanh tra sẽ xử lý nghiêm...

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, về hoạt động của các đơn vị sản xuất thuốc, sữa do nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Quản lý thị trường… quản lý.
“Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị để có quan điểm trả lời rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai. Quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm cũng như quan tâm đến việc đảm bảo sức khỏe của người dân”, ông Cường nói.
Riêng tại Đà Nẵng, ông Cường yêu cầu Sở Y tế phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Ban vệ sinh an toàn thực phẩm TP cùng với Công an TP kiểm tra đột xuất về hoạt động kinh doanh thuốc, sữa.
“Phải rà soát ngay, xử lý ngay. Thanh tra chuyên ngành phải làm thường xuyên hàng ngày, không phải theo kế hoạch, theo quy trình gì cả”, ông Cường chỉ đạo.
Theo ông Cường, Đà Nẵng thuận lợi hơn các địa phương khác vì có riêng Ban An toàn thực phẩm (sẽ đưa về mô hình Chi cục thuộc Sở Công Thương) và lực lượng quản lý thị trường cùng đã đưa về địa phương, nên các đơn vị phải phối hợp triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát.
Danh sách 12 loại sữa giả Bộ Y Tế vừa chỉ đạo thu hồi
Toàn cảnh vụ sữa giả: Lợi dụng kẽ hở, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ