Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương theo sát tình hình thị trường; chủ động các phương án chuẩn bị nguồn cung mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng tăng cao; đảm bảo chất lượng, nhu cầu của người dân và không để xảy ra tình trạng thiếu, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Ngoài việc chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua.
Bộ Công Thương được chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, pháo hoa nhập lậu…
Đặc biệt, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho nhân dân; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên toàn quốc, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khi đó, Bộ Tài chính được chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Cả hai Bộ có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, hàng hóa trong danh mục cấm như pháo nổ.