Từ chất thải bị bỏ đi đến 'vàng trắng' cứu tinh cho ngành chăn nuôi Mỹ: Thức ăn cho lợn trở thành mặt hàng trị giá 10 tỷ USD cho con người
Sản lượng mặt hàng này tại Mỹ đã tăng gấp 6 lần.
Nửa thế kỷ trước, Ken Heiman – khi ấy là một thợ học việc tại một nhà máy phô mai ở Wisconsin – thường chứng kiến thứ chất lỏng màu trắng đục còn sót lại sau quá trình tách phô mai bị xả xuống sông, đổ ra đồng hoặc dùng để nuôi lợn. Đó là whey hay “váng sữa” thứ bị xem như rác thải.
Thế nhưng thời thế đã thay đổi. Ngày nay, Heiman, CEO của Nasonville Dairy, không ngần ngại thừa nhận: “Đôi lúc, chúng tôi làm phô mai chỉ để lấy whey”.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Trong khi mỗi khối phô mai cheddar 40 pound chỉ giúp nhà máy hòa vốn, thì chính whey – giàu protein, ít calo và dễ hấp thụ, mới là nguồn thu giúp doanh nghiệp vận hành. Tại Nasonville Dairy, với mỗi 10 pound sữa, chỉ tạo ra 1 pound phô mai, nhưng lại thu được tới 9 pound whey. Sau khi tách kem, lọc lactose và cô đặc protein, whey trở thành sản phẩm có giá trị cao và chiếm vị trí trung tâm trong chuỗi lợi nhuận.
Bột vàng của ngành sữa
Động lực phía sau cú xoay chuyển này chính là cơn khát protein trong xã hội hiện đại. Từ bác sĩ khuyến nghị người cao tuổi bổ sung protein để tránh suy cơ, đến gymer, người theo chế độ Keto hay Gen Z theo đuổi "ăn sạch", tất cả đều tìm đến whey như một nguồn dinh dưỡng tiện lợi, ít mùi, dễ chế biến.
Từng bị xem là phụ phẩm, whey giờ đây hiện diện trong mọi thứ: từ thanh năng lượng, bánh mì, sữa chua, đến kem và mỹ phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng bột whey protein của nước này đã tăng gấp 6 lần, từ 8 triệu pound/tháng (2003) lên 48 triệu pound/tháng vào tháng 5/2025.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy phô mai ở Wisconsin, nơi whey trở thành sản phẩm chủ lực. |
Bước ngoặt lớn nhất đến từ làn sóng thuốc giảm cân GLP-1 như Ozempic và Wegovy. Một trong những hướng dẫn quan trọng khi sử dụng các loại thuốc này là tăng lượng protein nạp vào để tránh mất cơ. Với khả năng đáp ứng nhanh, tiện lợi, whey nhanh chóng phủ sóng các kệ hàng trong siêu thị, từ sản phẩm thể thao đến thực phẩm chức năng.
Giá whey protein theo đó cũng leo thang chóng mặt: từ mức 3 USD/pound năm 2020 lên gần 10 USD vào giữa 2025, theo dữ liệu từ Ever.Ag. Thị trường whey toàn cầu hiện được định giá 5–10 tỷ USD và có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Từ phụ phẩm thành cứu tinh ngành sữa
Tại Nasonville Dairy, whey từng là gánh nặng môi trường, nay lại là “mỏ vàng”. Những dây chuyền lọc và sấy whey từng bị lãng quên giờ trở thành trung tâm lợi nhuận của cả nhà máy. Heiman cho biết: “Đã có thời điểm, phô mai chỉ là phụ phẩm của một nhà máy… làm phô mai”.
Tờ New York Times thậm chí nhận định whey chính là thứ đã “cứu” ngành chăn nuôi bò sữa Mỹ. Marin Bozic, cựu giáo sư kinh tế nông nghiệp, chỉ ra rằng vào đầu những năm 2000, whey chỉ đóng góp 2,7–6,4% trong tổng thu nhập từ sữa của nông dân. Nhưng từ năm 2021, con số này đã tăng lên 8,7% và có thời điểm vượt 10%.
![]() |
Cơn khát protein toàn cầu đã biến whey thành mặt hàng chiến lược trong ngành công nghiệp thực phẩm. |
Trong bối cảnh giá sữa gần như không đổi suốt 25 năm qua sau khi điều chỉnh lạm phát, whey trở thành chiếc phao tài chính quan trọng. “Sự tăng giá của whey đã giúp nông dân thoát khỏi cảnh chật vật vì giá sữa thấp”, Heiman nói.
Vòng quay cung – cầu
Tuy nhiên, như mọi mặt hàng từng trải qua cơn sốt, whey cũng không thoát khỏi quy luật cung – cầu. Hàng loạt nhà máy phô mai mới đang được xây dựng, tích hợp dây chuyền sấy whey hiện đại, hứa hẹn tạo ra nguồn cung khổng lồ trong vài năm tới.
Điều này khiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng whey đang trên đường trở thành một loại hàng hóa phổ thông (commodity), với mức biên lợi nhuận dần thu hẹp. “Lời nguyền của mọi ngành hàng hóa là bạn không thể thu lợi nhuận cao mãi mãi”, Bozic cảnh báo.
Từ thứ chất thải từng bị đổ ra sông, whey giờ đây là một biểu tượng cho khả năng xoay chuyển của ngành công nghiệp sữa nhưng cũng là lời nhắc rằng không có "vàng trắng" nào tồn tại mãi mãi.
>>Việt Nam có loại rau mọc dại, ví như 'cao lương mỹ vị số 1 thế giới' được săn lùng khắp châu Á