Xã hội

Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt'

Linh Chi 27/07/2025 - 10:01

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nước ta ngày càng đối mặt với nhiều thiên tai có cường độ, tần suất và mức độ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chính vì vậy, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

Theo Nhân dân đưa tin, chiều 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 – chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có các đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt' - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nước ta ngày càng đối mặt với nhiều thiên tai có cường độ, tần suất và mức độ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chính vì vậy, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

Kinh nghiệm từ hai “thời khắc đặc biệt”

Một trong những nguyên tắc được Thủ tướng nhấn mạnh là “ba phải”: Phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; Phải ứng phó bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn và hiệu quả; Phải chung tay khắc phục cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Trước đây, đất nước ta từng phải đối mặt với nhiều trận bão lũ khủng khiếp. Những kinh nghiệm từ các tình huống như lũ tại thủy điện Thác Bà và sự cố đê Hoàng Long cho thấy, trong những thời điểm khẩn cấp, càng cần giữ được sự bình tĩnh, quyết đoán để giảm thiểu thiệt hại.

Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt' - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Báo Nhân dân.

Cụ thể, khi đối phó với lũ ở thủy điện Thác Bà, lãnh đạo đã quyết định xả lũ sang tỉnh Tuyên Quang và nhanh chóng sơ tán người dân. Thời điểm đó, Thủ tướng bình tĩnh, có phương án phòng ngừa ngay từ sớm, từ khi chưa xảy ra sự cố. Điều quan trọng là xử lý kịp thời, tránh tình trạng phải phá đập, nhưng nếu có sự cố thì phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Tương tự, trong trường hợp đê Hoàng Long, Thủ tướng đã yêu cầu chuẩn bị phương án phá đê. Tuy nhiên, khi xác định lũ có nguồn gốc từ sông Đà, nếu xả lũ sẽ phải ngừng phát điện, Thủ tướng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình. Đến sáng hôm sau, mực nước ổn định, không xảy ra sự cố. Trong những tình huống như vậy, việc ra quyết định đúng đắn, kịp thời là yếu tố then chốt.

Mặc dù vậy, nhìn lại thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm yếu trong công tác ứng phó. Thiệt hại về người trong năm 2024 tăng gấp ba lần so với năm 2023 và gấp 2,5 lần so với trung bình giai đoạn 2014–2023. Nguyên nhân có thể do tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn.

Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo và truyền thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Việc thiếu sự chủ động từ phía người dân, đặc biệt trong các hoạt động trên biển hoặc tại khu vực nguy hiểm, cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Hạ tầng kinh tế và kỹ thuật còn yếu, phương tiện và trang thiết bị hiện có chưa đủ để đáp ứng các tình huống khẩn cấp.

Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt' - ảnh 3
Nước lũ dâng cao gây ngập đến nửa cổng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 (tỉnh Nghệ An). Ảnh: ĐH/Đại biểu Nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và nắm bắt sát tình hình thực tế. Các quyết định trong chỉ đạo, lãnh đạo phải dựa trên sự bình tĩnh, sáng suốt và đánh giá chính xác. Tính mạng con người phải được đặt lên hàng đầu, cần có các biện pháp kiên quyết để di dời và cứu người dân. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng để ứng phó hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo

Theo Báo Tin tức – cơ quan của Thông tấn xã Việt Nam, đưa tin, Thủ tướng khẳng định phòng, chống thiên tai là một phần quan trọng trong công tác phòng thủ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh địa hình trải dài và loại hình thiên tai đa dạng như bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường. Cụ thể, năm 2024, bão Yagi được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua; tháng 6/2025, khu vực Trung Bộ ghi nhận mưa lớn, ngập lụt bất thường ngay trong mùa khô.

Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt' - ảnh 4
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: Tiền phong.

Ngoài ra, đêm 22/7/2025, lũ từ thượng nguồn sông Cả đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ gây ra hiện tượng lũ với tần suất rất hiếm gặp. Một sự kiện khác là vụ lật tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh) chiều 19/7/2025 do giông lốc đột ngột kèm theo mưa đá và gió xoáy mạnh.

Với cơn bão số 3 năm 2025 (Wipha), các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, dự báo, cảnh báo và tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão vẫn rất nghiêm trọng.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; nêu rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong chỉ đạo, điều hành và phản ứng của các cơ quan, địa phương và người dân. Đồng thời, cần chỉ ra khó khăn, vướng mắc và rút ra bài học để hoàn thiện công tác trong thời gian tới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị đánh giá các thuận lợi, khó khăn trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo mô hình chính quyền hai cấp. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay và bài học thực tiễn để nâng cao hiệu quả trong tương lai.

>>24 xã ở Nghệ An vẫn bị cô lập do mưa lũ

Hàng loạt hố sụt lún khổng lồ xuất hiện sau trận mưa lũ lịch sử ở một huyện miền núi phía Bắc

Thủ tướng: Bộ Quốc phòng huy động flycam hỗ trợ miền Trung cảnh báo mưa lũ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thu-tuong-noi-ve-hai-thoi-khac-dac-biet-147555.html
Bài liên quan
  • Mưa lũ hoành hành các tỉnh miền Trung
    Trong những ngày qua, nhiều tỉnh khu vực miền Trung đã phải hứng chịu mưa lớn kéo dài. Tình trạng ngập lụt đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
  • Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
    Trước tình hình mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại khu vực Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 120/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.
  • Dân vùng ngập nhất Đà Nẵng kê tài sản lên giường tầng cả tháng vì 'mưa lũ đỉnh điểm'
    Tôi phải kê 3 cái giường tầng từ trên nhà xuống dưới bếp, đồ đạc gói ghém sẵn, mưa lớn là bốc hết lên giường chứ kinh nghiệm nhiều năm rồi, đợi nước vào không sao xoay kịp”, chị Nguyễn Thị Hồng Thương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nói.
  • 7 người chết do mưa lũ ở Quảng Bình
    Đến thời điểm này, mưa lũ tại Quảng Bình đã khiến 7 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng nói về hai 'thời khắc đặc biệt'
    POWERED BY ONECMS & INTECH