Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành thảo luận lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới
Ngày 3/10 (ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Trung ương 8), Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trước đó, chiều 2/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới là một trong những nội dung quan trọng được Trung ương thảo luận và kết luận tại Hội nghị Trung ương 8.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 về nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu thật kỹ Tờ trình và các Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.
Chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...
Từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
Xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện phương án cải cách tiền lương
Liên quan đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương, thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 cho biết, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.
Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Sắp tới Bộ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, khóa XV 04 văn bản, đề án trong đó có báo cáo công tác quản lý cán bộ, công chức và báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Sẽ có nhiều đổi mới trong cải cách tiền lương
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận kỹ về vấn đề bảo hiểm xã hội và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, trọng tâm là công tác cải cách chính sách tiền lương.
Theo Bộ trưởng, năm 2018, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai Nghị quyết đều đang được hiện thực hóa vào cuộc sống.
"Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội
Nhìn vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bỏ việc vì lương thấp.
Để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, ngày 01/7/2023, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
"Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 05 bảng lương mới, gồm: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang;...
Riêng lực lượng vũ trang có 3 bảng lương gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.
Thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024
Trước đó, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ nêu rõ: Sớm thực hiện cải cách chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 cũng là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.
Lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường.
Hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương để thực hiện cải cách tiền lương.
Tại kỳ họp thứ 27 tới (trong tháng 10) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi được Trung ương xem xét, có kết luận./.
NVIDIA chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam với cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn