Thủ tướng: 'Trung ương đang làm thay địa phương nhiều quá'
Dẫn chứng về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương phải ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, song vẫn chậm, Trung ương đang làm thay địa phương nhiều việc.
Sáng 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết 42).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đại hội 13 của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững.
Nguyên tắc xuyên suốt "con người là trung tâm của chính sách xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh "tất cả vì con người, vì nhân dân: Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển".
Thủ tướng cho biết chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để nhân dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng chính sách xã hội là lĩnh vực lớn, phạm vi rộng, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
Theo Thủ tướng, chính sách an sinh xã hội của Việt Nam không như các nước phát triển, "các nước họ chi 1.000-2.000 USD và chuyển tài khoản là xong ngay". Nhưng Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô thì nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên làm an sinh xã hội rất cần thiết nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, trong đó phải xác định đối tượng. Thủ tướng cho rằng đây là bài toán khó bởi từ cứu đói đến hạn hán, chống thiên tai, đâu đó còn tiêu cực.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng chính sách xã hội phải dựa trên cơ sở khoa học, đảm bảo tính kế thừa liên tục, hội nhập quốc tế, phù hợp thực tiễn; cùng với đó đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, thường xuyên kiểm tra, giám sát.
"Chính sách an sinh xã hội của chúng ta, đối tượng thì nhiều, địa bàn thì rộng, tính chất phức tạp nên đòi hỏi quá trình triển khai phải bình tĩnh, không nóng vội, không thể giải quyết trong vài năm, đây là vấn đề lâu dài", Thủ tướng chia sẻ.
Trung ương phải làm cả việc của xã, huyện
Thủ tướng nêu trên thế giới có 4 mô hình về chính sách an sinh xã hội, gồm mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường tự do, điển hình là Mỹ; mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường xã hội, như ở Đức; mô hình phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu; mô hình bao cấp, như ở Cuba, đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Từ 4 mô hình trên, Thủ tướng cho biết, Việt Nam lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, tình hình của đất nước, "lấy ưu điểm các mô hình để đưa ra mô hình phù hợp với đất nước ta, một đất nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi; tôn trọng các nguyên tắc thị trường với sự quản lý, điều tiết của Nhà nước".
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Chính sách an sinh xã hội phải toàn dân, toàn diện, tiến bộ, công bằng, bao trùm và bền vững. Bao gồm 5 nhóm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Về quan điểm, Thủ tướng cho hay, Nghị quyết 42 đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, có quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền.
Nói về quan điểm này, Thủ tướng cho biết có những chính sách an sinh xã hội Trung ương làm tới tận cấp xã, như vậy thì "làm sao mà nhanh được". Thủ tướng chia sẻ ông đi nhiều địa phương thì được phản ánh khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Trung ương phải ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, song vẫn chậm.
"Chúng ta không phân cấp ra thì làm sao mà không có nhiều văn bản. Việc của xã mà Trung ương phải làm thì phải có văn bản. Việc của huyện Trung ương cũng làm, việc của tỉnh Trung ương cũng làm, thì phải nhiều văn bản, mà càng nhiều văn bản hướng dẫn thì lại càng rối", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cho rằng đã phân cấp, phân quyền thì đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra đầu ra, trong khi hiện nay đang kiểm soát đầu vào và "các cơ quan Trung ương đang làm thay địa phương nhiều quá" nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng khẳng định phải rút kinh nghiệm, đổi mới công tác quản lý, tăng phân cấp, phân quyền.
Ngoài ra Thủ tướng cũng lưu ý cần phát huy sự chủ động, sáng tạo của người dân: "Nhân dân rất thông minh. Vấn đề là có cơ chế chính sách thế nào để họ phát huy năng lực sáng tạo, tính chủ động. Đây là việc Nhà nước phải làm và như thế mới bền vững bởi không ai lo cho mình hơn là chính mình lo cho mình. Và như thế mới bao trùm, bền vững, tiến bộ".
Gặp nhiều tập đoàn năng lượng tái tạo lớn, Thủ tướng lưu ý 'giá điện phải hài hòa'
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong G77 để ứng phó với biến đổi khí hậu