Tiền tệ châu Á lao dốc vì thuế quan, nhà đầu tư tháo chạy: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới
Hàng loạt đồng tiền châu Á đồng loạt lao dốc do chính sách thuế quan mạnh tay của Mỹ, dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong khu vực phụ thuộc sâu vào xuất khẩu.
Nhiều đồng tiền tại khu vực châu Á, đặc biệt là những đồng tiền nhạy cảm với thương mại, đồng loạt trượt giá mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt biện pháp thuế quan mới, làm dấy lên lo ngại sâu sắc về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đồng won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đồng đô la Úc và New Zealand lần lượt chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Đồng baht Thái Lan đối mặt với chuỗi ngày mất giá dài nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi đồng rupiah Indonesia tiến sát mức đáy kỷ lục.

Giới đầu tư quốc tế đã nhanh chóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu và tiền tệ thị trường mới nổi, sau khi chính quyền Trump công bố loạt thuế quan trả đũa, phần lớn nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ châu Á.
Động thái này được xem là bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng nhanh chóng phản ứng bằng loạt biện pháp trả đũa tương xứng, khiến thị trường toàn cầu rơi vào trạng thái bất ổn.
Đồng won Hàn Quốc trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm thị trường mới nổi, không chỉ vì tác động trực tiếp từ căng thẳng thương mại mà còn do những bất ổn trong nước.
Giới phân tích cho rằng nỗ lực thiết quân luật bất thành của cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi đầu tháng 12/2024 đã làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu đang đối mặt với sức ép kép từ cả bên ngoài lẫn nội tại.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi châu Á có thể gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng, ổn định tài chính và dòng vốn đầu tư trong khu vực. Đồng thời, sự sụt giảm của các đồng tiền chủ chốt cũng làm gia tăng áp lực lạm phát do giá hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Trong khi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hồi đầu tháng, tuyên bố phế truất cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol, được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục phần nào niềm tin vào thị trường và hỗ trợ đồng won phục hồi, thì diễn biến trên trường quốc tế lại phủ bóng đen lên triển vọng này.
Việc ông Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách thuế quan cứng rắn, bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đã làm suy giảm hy vọng về khả năng kiềm chế một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Tham khảo Financial Times, BNN
>> Nhà đầu tư tháo chạy, lo khủng hoảng tài chính châu Á lặp lại ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?
Ông Trump nói Mỹ thu 2 tỷ USD/ngày nhờ thuế, sẵn sàng đàm phán với từng nước
Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ sát cánh để đối phó đòn thuế của Mỹ