Ngay sau thông tin PVN báo KQKD bứt phá năm 2021, các cổ phiếu trong họ dầu khí đồng loạt bứt phá ngay phiên sáng nay 4/1/2022. Khối ngoại cũng xuống tiền gom mạnh nhóm cổ phiếu này.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu toàn PVN năm 2021 đạt 620.200 tỷ đồng - vượt 26,4% kế hoạch năm và tăng 28% so với năm 2020; lãi trước thuế năm 2021 đạt 45.000 tỷ đồng - gấp 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 2,2 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, PVN cũng nộp ngân sách Nhà nước tới 112.500 tỷ đồng năm 2021 - vượt 80% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2020.
Những thông tin tích cực này ngay lập tức tác động đến các cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí trên sàn khiến các cổ phiếu họ dầu khí hút dòng tiền trong nước và nước ngoài, thanh khoản và tăng giá mạnh so với đà tăng của thị trường phiên sáng 4/1.
Cụ thể, cổ phiếu GAS của Tổng Công ty khí Việt Nam đã tăng 4,7% lên mức 100.700 đồng/cổ phiếu.
CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) có đà tăng mạnh nhất trong sáng nay khi tăng 5,2% lên 31.200 đồng/cổ phiếu. Khối ngoại cũng tranh thủ gom thêm gần 1 triệu cổ phiếu PVD.
Cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PVT) tăng 4,4% lên mức 25.150 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu của Tổng Công ty Dịch vụ kĩ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng ghi nhận tăng 3,7% trong phiên sáng nay lên mức 28.300 đồng/cổ phiếu và được khối ngoại gom vào hơn 700.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng 3,5% lên 55.800 đồng/cổ phiếu; khối ngoại cũng mua ròng lên 500.000 cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho biết, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực Đông Á hiện nay vào khoảng 55 USD/thùng. Vì vậy, mức giá hiện nay đang phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động tạo nên sự sôi động cho khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.
Các dự án lớn trong nước cũng được kỳ vọng sẽ triển khai nhanh, trong đó dự án Lô B Ô Môn đang có những dấu hiệu tích cực. Trong mảng này các doanh nghiệp niêm yết có kinh doanh như PVD, PVS. Ngoài ra còn có GAS tham gia đầu tư vào dự án Sư Tử Trắng.
Hoạt động vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng. Nhu cầu vận tải dầu năm 2022 sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Từ 2023, khi dự án lọc dầu Long Sơn hoàn thành sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu vận tải.
Nhu cầu nhập khẩu LPG trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% và dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng từ 20 – 22% đến năm 2025. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Giai đoạn đến năm 2025 dự kiến có thêm 4 dự án LNG sẽ khởi công trong đó dự án LNG Thị Vải GĐ 2 và LNG Sơn Mỹ GĐ 1 do GAS tham gia đầu tư có tính khả thi cao.
Ngoài ra, xu hướng hạn chế nhiệt điện than buộc Chính phủ phải chú trọng hơn việc phát triển các dự án điện khí. Hàng loạt các dự án điện khí đang được triển khai như: Nhơn Trạch 3&4 (dự kiến hoàn thành 2023 – 2024), Hiệp Phước (2022), Sơn Mỹ 1&2 (2025)... Dự kiến đến 2027 sẽ bổ sung thêm 17,600 MW vào hệ thống phát điện Việt Nam.
Các doanh nghiệp phân bón đang sản xuất và tiêu thụ tốt tạo nhu cầu tiêu thụ khí ổn định trong lĩnh vực này.
Nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục.
Các công ty chuyên về xây lắp dự án điện như PVS, PXS có thể sẽ trúng thầu nhiều dự án xây lắp nhà máy. Các công ty hoạt động phân phối khí và xăng dầu được kỳ vọng hồi phục mạnh từ đáy như: CNG, PGS, ASP, PLX,...
Công ty 'nhà' PVN thu về hơn 19.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024
Chính phủ chi tiền 'khủng' bù giá cho sản phẩm lọc hóa dầu Nghi Sơn