Tin vui lớn, vừa phát hiện 'kho báu' chứa hơn 900.000kg vàng, 18.600 tấn bạc cùng 13 triệu tấn đồng
Khu mỏ kim loại quý trị giá hàng tỷ USD nằm dọc biên giới Argentina - Chile.
Tại khu vực biên giới giữa Argentina và Chile, một nhóm thợ mỏ đã phát hiện một mỏ khoáng sản đặc biệt giá trị, được đánh giá là “một trong những nguồn tài nguyên đồng, vàng và bạc lớn nhất thế giới”.

Theo kết quả khảo sát mới nhất, khu vực tài nguyên khoáng sản Vicunã, kéo dài từ tỉnh San Juan (Argentina) đến vùng Atacama (Chile), được ước tính sở hữu khoảng 13 triệu tấn đồng, 32 triệu ounce vàng (tương đương 907 tấn) và 659 triệu ounce bạc (khoảng 18,6 nghìn tấn).
Hiện khu vực này do hai tập đoàn khai khoáng lớn là Lundin Mining và BHP cùng quản lý, với trọng tâm là hai mỏ chính: Filo del Sol và Josemaria. Cả hai đều thuộc nhóm 10 địa điểm khai thác đồng hàng đầu thế giới, đồng thời sở hữu trữ lượng vàng và bạc được xếp vào loại lớn nhất hành tinh.
“Filo del Sol và quận Vicunã đang trên đà phát triển thành một mỏ đẳng cấp thế giới, trở thành khu phức hợp khai thác quy mô toàn cầu”, ông Jack Lundin - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Lundin Mining, khẳng định.

Ông cho biết thêm: “Phát hiện lần này không chỉ khẳng định quy mô của Vicunã, mà còn hé lộ lõi khoáng sản chất lượng cao của mỏ. Các mỏ lớn vốn dĩ sẽ ngày càng mở rộng và chúng tôi nhận thấy rõ tiềm năng phát triển của khu vực này”.
Dù chưa công bố con số cụ thể, nhưng với trữ lượng ấn tượng nêu trên, giới phân tích nhận định giá trị kinh tế của dự án chắc chắn sẽ lên tới hàng tỷ USD.
Các kim loại như vàng, bạc và đồng từ lâu không chỉ được dùng trong chế tác trang sức hay lưu trữ giá trị, mà còn giữ vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao. Chúng là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất vi mạch, thiết bị truyền thông, tàu vũ trụ, động cơ phản lực và nhiều thiết bị điện tử hiện đại.
Những mỏ khoáng sản như Vicunã là thành quả của các quá trình địa chất phức tạp kéo dài hàng triệu năm. Khi các mảng kiến tạo va chạm, dung nham nóng chảy và chất lỏng siêu nhiệt len lỏi qua các vết nứt trong lớp vỏ trái đất, mang theo khoáng chất từ sâu dưới lòng đất. Khi nguội đi, các dòng chảy này kết tinh, hình thành nên các mạch kim loại quý.

Theo thời gian, những trầm tích này tiếp tục bị xói mòn và cuốn trôi bởi nước, lắng đọng tại đáy biển hoặc các vùng đồng bằng ngập nước, từ đó tạo nên những mỏ sa khoáng có giá trị kinh tế cao.
Khai thác những nguồn tài nguyên quy mô lớn như vậy đòi hỏi hệ thống hạ tầng đồng bộ và thiết bị cơ giới hạng nặng. Quá trình này khó tránh khỏi tác động đến môi trường tự nhiên, làm thay đổi cảnh quan hoang sơ của khu vực. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng.
Trước những giá trị khổng lồ do thiên nhiên kiến tạo qua hàng triệu năm, con người đứng trước lựa chọn là vừa khai thác, vừa phải đối mặt với nguy cơ làm tổn hại chính hệ sinh thái đã sản sinh ra sự giàu có ấy.
>> 5 tấn vàng ròng trải dài 5km dưới dòng suối nhưng không ai dám khai thác