Tỉnh nhỏ 'sát vách' Hà Nội thu ngân sách bằng 6 tỉnh cộng lại, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương

06-03-2024 12:30|Mai Chi

Tỉnh này chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất cả nước.

Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ. Hà Nam là tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước với diện tích 860,5km², dân số dân số 886.000 người.

Tỉnh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất cả nước, gồm: thành phố Phủ Lý (tỉnh lỵ của tỉnh), huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng, huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục.

Hà Nam có vị trí địa lý thuận lợi khi cách thủ đô Hà Nội hơn 50km, là cửa ngõ giao thương từ Thủ đô đi các tỉnh phía Nam. Phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp Nam Định và Ninh Bình, phía Tây giáp Hòa Bình. Vị trí địa lý này tạo ra rất nhiều thế mạnh cho phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh.

Tỉnh nhỏ 'sát vách' Hà Nội thu ngân sách bằng 6 tỉnh cộng lại, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Bản đồ tỉnh Hà Nam

>> Tỉnh cực Nam của duyên hải Nam Trung Bộ: Mục tiêu thu nhập bình quân GRDP đạt 8.000 USD

Dù là một tỉnh có diện tích nhỏ, ít đơn vị hành chính nhưng kinh tế- xã hội của Hà Nam có nhiều điểm nổi bật, trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) cả năm ước đạt trên 50.000 tỷ; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc.

Đặc biệt, tổng thu ngân sách năm 2023 của tỉnh ước đạt trên 12.800 tỷ đồng, tương đương với số thu ngân sách của 6 tỉnh thu ngân sách ít nhất cộng lại (Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).

Về cơ cấu kinh tế, Hà Nam đã và đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, 2023 khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 64,1%; khu vực dịch vụ chiếm 23%; nông, lâm và thủy sản chiếm 7,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,9%.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh Hà Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Và đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh Hà Nam có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, phải kể đến một phần lớn nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường bộ quan trọng như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Đồng thời kết hợp với lợi thế về đường thủy nơi có nhiều sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu…

Tỉnh nhỏ 'sát vách' Hà Nội thu ngân sách bằng 6 tỉnh cộng lại, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Tỉnh Hà Nam

Với hệ thống giao thông thuận lợi, tỉnh Hà Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư dự án lớn. Điển hình vào cuối tháng 1 vừa qua, giai đoạn một của tổ hợp dự án khu đô thị mới Bắc Châu Giang được khởi công. Dự án có quy mô xấp xỉ 4,05km2, tổng mức đầu tư lên đến 35.000 tỷ đồng.

Cũng trên địa bàn tỉnh, tại huyện Lý Nhân hiện đang triển khai dự án khu công nghệ cao có diện tích lên đến 6,6 km2. Tương lai, khi hoàn thành đây sẽ là nơi tập trung thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng với trọng tâm là các dự án thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới….

Nhờ chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam luôn được đánh giá cao, và đã trở thành một trong số các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh thu hút 40 dự án (đạt 93% so với năm 2022), trong đó có 24 dự án FDI và 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 291 triệu USD và 5.042 tỷ đồng.

Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc với 149 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; kế đến là Nhật Bản với 111 dự án và số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.148 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 368 dự án FDI và 780 dự án trong nước, với vốn đăng ký 5.404,8 triệu USD và 168.475,3 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh đề xuất thành lập mới 10 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 2.111ha (gồm 2.093 ha đất khu công nghiệp phát triển mới và 18 ha đất mở rộng KCN Đồng Văn II chuyển sang KCN Bình Lục (giai đoạn 1).

Trong đó, hiện đã có 4 KCN (gồm Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I) được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam; Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau năm 2030, Hà Nam sẽ tiếp tục phát triển và nâng cấp, mở rộng diện tích ba KCN với tổng diện tích mở rộng khoảng 424ha. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất thành lập mới 4 KCN với quy mô diện tích khoảng 890ha.

Tỉnh nhỏ 'sát vách' Hà Nội thu ngân sách bằng 6 tỉnh cộng lại, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Chùa Tam Chúc, Hà Nam

Bên cạnh đó, Hà Nam có nguồn khoáng sản đá vôi khổng lồ thuận lợi, tạo điều kiện trở thành trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời nơi đây cũng có những thế mạnh để phát triển văn hóa du lịch với các chùa nổi tiếng như Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai,...

>> Việt Nam vượt Hàn Quốc, trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới

Sun Group khởi công dự án khu đô thị 'new city' 35.000 tỷ đồng tại Hà Nam

9 năm khởi công với chục nghìn tỷ đầu tư, 2 bệnh viện bỏ hoang tại Hà Nam có 'biến' mới?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-nho-sat-vach-ha-noi-thu-ngan-sach-bang-6-tinh-cong-lai-sap-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-225228.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh nhỏ 'sát vách' Hà Nội thu ngân sách bằng 6 tỉnh cộng lại, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
    POWERED BY ONECMS & INTECH