Tỉnh Việt Nam có hệ đầm phá lớn nhất ĐNA rộng lớn 22.000 ha: Được gọi là "miền đất địa linh nhân kiệt" với cảnh quan vô cùng hùng vĩ, hữu tình
Từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, nơi đây là "miền đất địa linh nhân kiệt", văn hiến, có bề dày về văn hóa, có chiều sâu về lịch sử với cảnh quan vô cùng hùng vĩ, hữu tình.
Khai thác thế mạnh du lịch đầm phá với hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á
Thừa Thiên Huế có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68km thuộc thành phố Huế và 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc với diện tích gần 22.000 ha, là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Trong đó, riêng phá Tam Giang chạy dài khoảng 25km, bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến vùng cửa Thuận An. Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên trước đây, muốn thượng kinh đều phải vượt phá.
Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông. Vì cửa ra biển hẹp nên có nhiều xoáy nước, nếu gặp sóng to gió lớn sẽ dễ gây lật thuyền. Ca dao có câu: “Đường vô xứ Huế quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...”.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho hay, các lễ hội dân gian như lễ hội Cầu ngư, lễ hội Nghênh Ông, lễ hội Cầu an gắn với các tín ngưỡng thờ thần Cá ông, thờ thành hoàng, thờ nữ thần của một số làng nằm dọc theo hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngoài ra, với di tích phong phú và đa dạng, các địa phương thuộc vùng đầm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Theo ông Hải, tính đến năm 2023, tổng số di tích tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xếp hạng là 30 di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia và 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
“Để nâng cao hiệu quả trong việc khai thác, phát huy giá trị di tích tại vùng đầm phá, chính quyền địa phương cần xác định rõ mục tiêu, vai trò của việc phát triển du lịch gắn với giá trị các di tích là mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội”, ông Hải gợi ý.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề cương “Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”. Đề án này xác định ưu tiên các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá trong phát triển du lịch sinh thái phù hợp đặc thù của vùng, đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực. Đây sẽ là hành lang pháp lý hiệu quả, cũng như tạo nguồn lực tốt để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh chưa đánh thức của vùng Tam Giang - Cầu Hai theo hướng đi đúng và bền vững.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, từ năm 2010 đến nay “thương hiệu” đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tiếng, điển hình là “Tour du lịch đầm phá Tam Giang” được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Đây cũng là sản phẩm du lịch chủ yếu của vùng và đã được các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh khai thác với số lượng tour đặt hàng lớn. Chương trình này cũng là một trong những sản phẩm du lịch chủ chốt tại các kỳ Festival Huế gắn với các lễ hội như “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô huyền thoại biển”, “Sóng nước Tam Giang”.
"Vùng đất di sản" lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô
Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận; gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp; hơn 500 lễ hội; 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (2019). Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang được tỉnh xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến Huế, du khách đã quen thuộc với các tour du lịch gắn liền với Di sản văn hoá Thế giới Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình, du ngoạn trên sông Hương nghe ca Huế, các dịch vụ về đêm tại khu phố đi bộ. Du khách đến Huế được trải nghiệm các hoạt động gắn với cuộc sống người dân bản địa thông qua các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch nhà vườn, du lịch đầm phá, du lịch cộng đồng. Họ được tự tay thu hoạch, chế biến các món ăn đặc sản Huế, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế.
Nơi đây cũng là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ các dạng địa hình của Việt Nam từ núi cao về biển khơi: rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển. Thiên nhiên đã ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ và thu hút cho vùng đất này như sông Hương, núi Ngự; hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích trên 22 nghìn ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; Vườn quốc gia Bạch Mã còn nguyên vẹn; Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới… Cũng chính hệ sinh thái đa dạng này, trong diễn trình phát triển của lịch sử đã tạo nên những nét đặc trưng rất riêng cho các cộng đồng dân cư ở Thừa Thiên Huế.
Ngoài các lễ hội đặc sắc, rất nhiều làng nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, ngư nghiệp cũng được hình thành như: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, đan đệm Phò Trạch, đan lát Bao La, gót Dạ Lê, nón Hương Cần, rượu làng Chuồn, gốm Phước Tích... Một đặc điểm nữa hết sức lý thú, đó là trong hệ sinh thái đồng bằng, Thừa Thiên Huế đã hình thành cho mình một hệ sinh thái vườn, “vườn hóa” cả đô thị Huế, nâng lên thành một nghệ thuật sống đầy minh triết. Vườn Huế chính là vườn văn hóa, vườn nhân văn. Không chỉ xuất hiện ở đô thị, mà còn ở các lăng tẩm, các lâm viên lớn như Thiên An, Bạch Mã…
Dưới đây là một số điểm đến mà bạn nhất định không được bỏ qua khi đến Huế:
Đại Nội Huế
Nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng, Đại Nội Huế là một quần thế di tích văn hoá được công nhận là di tích văn hoá thế giới. Quần thế Đại Nội Huế bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, được bao bọc bởi khu vực Kinh thành.
Đến thăm quan quần thể di tích Đại Nội Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những công trình cung điện nguy nga, đền đài và miếu thờ bề thế, đồ sộ mang đậm nét kiến trúc thời nhà Nguyễn. Không chỉ có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, bạn còn được tha hồ chụp ảnh trong không gian kiến trúc độc đáo này.
Đặc biệt hơn nữa, mới đây Đại Nội Huế đã chính thức mở cửa đón khách thăm quan vào ban đêm từ 19 – 22h và đây chính là dịp để bạn “sở hữu” những bức ảnh tuyệt đẹp bên những công trình rực rỡ, lung linh ánh đèn.
Các lăng tẩm Huế
Thời nhà Nguyễn có 13 vị vua nhưng chỉ có 7 lăng tẩm được xây dựng. Mỗi khu vực lăng tẩm đều được chính nhà vua lựa chọn vị trí và kiến trúc nên mỗi lăng tẩm tại nơi đây lại mang những nét kiến trúc riêng với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, độc đáo. Đặc sắc nhất phải kể tới Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định.
1. Lăng Tự Đức
Nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, Lăng Tự Đức (hay còn được gọi là Khiêm Lăng) có lẽ là lăng đẹp nhất trong những lăng tẩm của các đời vua nhà Nguyễn bởi sự hài hoà giữa khung cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” và không gian kiến trúc bao la, rộng lớn.
Được bao bọc giữa bồn bề cây cối xanh mát và nằm gần một hồ nước rộng lớn, lăng Tự Đức hiện lên với nét cổ kính và kiến trúc cầu kì hoà mình trong thiên nhiên thật thơ mộng và không gian thanh bình đến lạ kì.
2. Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng là một lăng tẩm du khách khó có thể bỏ qua với những những đường nét tĩnh tại trong kiến trúc được kết hợp hài hoà với không gian hội họa và thơ ca cùng khung cảnh thiên nhiên hoa lá đầy trữ tình, phần nào thể hiện được tính cách uy nghiêm, nghiêm khắc nhưng cũng không kém lãng mạn của nhà vua.
3. Lăng Khải Định
Được xây dựng trên núi Châu Chữ, Lăng Khải Định là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 12 của triều nhà Nguyễn. Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vị vua tiền nhiệm nhưng lăng Khải Định lại được xây một cách vô cùng công phu và tinh xảo trong thời gian đến 10 năm.
Lăng Khải Định là công trình lăng tẩm duy nhất có kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông – Tây. Điều ấy được thể hiện qua những tấm phù điêu lộng lẫy được ghép tỉ mỉ bằng sành sứ và thuỷ tinh, những khay trà, vương miện, cùng những vật dụng trang trí hiện đại vào thời bấy giờ như: vợt tennis, đèn dầu,…
Chùa Thiên Mụ
Tọa lạc trên ngọn đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, chùa Thiên Mụ hiện lên giữa một không gian thiên nhiên thơ mộng đầy trữ tình và là khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm thi ca nhạc họa.
Từ xa sừng sững tháp Phước Duyên cao ngất, như một biểu tượng mà bất kì ai cũng nhớ tới khi đặt chân đến với thành phố cố đô này. Đến Chùa Thiên Mụ, lắng nghe tiếng chùa âm vang bên tai hoà vang trong cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng và thư thả hơn trước bộn bề cuộc sống.