Công trình xếp thứ 3 thế giới về diện tích sàn sử dụng cho mục đích hành chính, sau Lầu Năm Góc (620.000m2) và trụ sở Quốc hội Thái Lan (424.000m2).
Tòa nhà Quốc hội Rumani hay còn được gọi là Cung Nghị viện Rumani, tọa lạc trên đồi Spirii, một quả đồi nổi tiếng ở thủ đô Bucharest. Theo lời của người hướng dẫn khách vào thăm quan khu nhà Quốc hội của Rumani, có khoảng 50% số dân nước này ủng hộ việc xây dựng tòa nhà.
Chính quyền Rumani lúc đó quyết định không tổ chức đấu thầu quốc tế nhằm phát huy nội lực của giới xây dựng trong nước. Sau 4 năm tổ chức thi tuyển, đề án thiết kế “Ngôi nhà của Nhân dân” của nữ kiến trúc sư Anca Petrescu (1949-2013) đã được phê duyệt.
Ban đầu, công trình có tên gọi là "Nhà Cộng Hòa" và dự kiến được sử dụng làm trụ sở của tất cả các cơ quan thể chế chính của đất nước Romania. Việc xây dựng công trình được tiến hành trong giai đoạn nền kinh tế Romania đang gặp nhiều khó khăn đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính quyền Bucharest khi đó đối với công trình này.
Tuy nhiên, vào năm 1989, khi công trình gần được hoàn thành thì những thay đổi về chế độ chính trị đã diễn ra ở Romania. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Romania không còn nữa, người dân Romania đặt tên cho tòa nhà là “Nhà Nhân dân” để tỏ ý đánh giá cao giá trị công trình, đồng thời, hạn chế nạn cướp phá, hôi của có thể dẫn đến hủy hoại công trình có ý nghĩa di sản này.
Sau đó, dưới sự quản lý của chính quyền mới, công trình đã được tiếp tục xây dựng để làm trụ sở làm việc của Nghị viện Romania và được đổi tên thành Cung điện Nghị viện Romania. Trong những năm 2003-2004, một số công trình bổ sung và hoàn thiện cho cung điện, trong đó có Trung tâm Hội nghị Quốc tế đã được xây xong. Từ năm 1994, Cung điện Nghị viện Romania đã trở thành trụ sở của cả Thượng viên và Hạ Viện Romania.
Tòa nhà Quốc hội này có 1.100 phòng và chỗ đậu xe cho 20.000 ô tô trên tổng diện tích bề mặt là 365.000m2. Chiều dài của toàn công trình là 270m, chiều rộng là 240m, chiều cao trên mặt đất là 86m và chiều sâu dưới mặt đất là 92m. Tòa nhà có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, trong 8 tầng chìm có hầm xây để chống bom nguyên tử.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo đánh giá, có khoảng 100.000 công nhân phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, trong vòng gần 6 năm dưới sự hướng dẫn của 700 kiến trúc sư và điều khiển của nữ tổng công trình sư Anca Petrescu.
Để xây dựng được tòa nhà này cần giải phóng 3.000 hộ dân tương đương với 25.000 người dân phải di chuyển sang những nơi ở khác. Công trình đồ sộ này đã sử dụng 1 triệu m3 đá cẩm thạch, 55.000 tấn xi măng mác cao, 7.000 tấn thép chuyên dụng, 20.000 tấn cát, 1.000 tấn đá bazan, 90.000m2 gỗ quý, 3.500 tấn thủy tinh và pha lê cao cấp, 220.000m2 thảm các loại và 3.500m2 da thú hiếm.
Theo ước tính, công trình này được hoàn tất với kinh phí gần 4 tỷ USD (gần 102.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay). “Ngôi nhà của Nhân dân” hoàn thành với đúng 1.100 căn phòng gồm 440 phòng làm việc, 30 cung hội nghị, 4 nhà hàng, 3 thư viện, cung hòa nhạc…
Trong các phòng làm việc của tòa nhà, phòng lớn nhất có diện tích 2.000m2 với nhiều công năng sử dụng như tổ chức mít tinh, dạ tiệc quy mô lớn hay triển lãm. Các phòng của tòa nhà có thể cho thuê để tố chức các sự kiện của cá nhân hay tổ chức khác.
Hiện tại, tòa nhà Quốc hội của Rumani hàng ngày có khoảng 3.000 người làm việc; trong đó khoảng 800 công nhân chăm lo việc bảo dưỡng và bảo trì với mức chi phí hàng tháng khoảng 60.000 Euro (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Theo sách kỷ lục Guinness, đây là tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới, tòa nhà nặng nhất thế giới (4,1 triệu tấn), tòa nhà hành chính có nhiều phòng nhất thế giới (1.100 phòng) và tòa nhà hành chính lớn nhất châu Âu (365.000m2 diện tích).
Để so sánh, Cung Nghị viện Romania xếp thứ 3 thế giới về diện tích sàn sử dụng cho mục đích hành chính, sau Lầu Năm Góc (620.000m2) và trụ sở Quốc hội Thái Lan (424.000m2).
Ngày 20/1 vừa qua, trong chương trình chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới tham quan tòa nhà Quốc hội của Romania. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần thuyết minh thêm về công trình với phái đoàn cấp cao Việt Nam, đồng thời nhắc lại những kỷ niệm, ấn tượng về đất nước Romania khi còn học tập và làm việc tại đây.
Ngày nay, tại bất cứ nơi nào ở thủ đô Bucharest, mọi người cũng đều có thể dễ dàng nhìn thấy tòa nhà này. Cung Nghị viện Romania đứng đó như một biểu tượng đầy ý nghĩa của nền dân chủ Romania, nơi những nghị sĩ Romania đang làm việc với nhiệm vụ cao quý là đại diện cho quyền lợi của nhân dân Romania.