Quý II năm nay, với việc thị trường trong và ngoài nước đã trở lại ổn định, nhiều doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh khả quan.
Bước qua năm 2021 với thị trường đầy biến động và khó khăn, sang năm 2022, ngành dệt may đã có sự phục hồi và tăng trưởng rõ rệt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết thúc quý II, nhiều doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh với những con số vô cùng ấn tượng.
VGT tiếp tục là điểm sáng
Ông lớn Vinatex (VGT) tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định và dẫn đầu ngành với doanh thu 4.768 tỷ đồng - tăng 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng 47% lên 573 tỷ đồng. Theo đó, đây cũng là quý lãi kỷ lục của doanh nghiệp này từ trước đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của VGT lần lượt đạt 9.681 tỷ đồng và 901 tỷ đồng - tương đương tăng 37% và 54% so với cùng kỳ.
Vinatex cho biết các tháng đầu năm 2022 thị trường sợi vẫn phát huy những ảnh hưởng tích cực từ cuối năm 2021. Đơn hàng đều đặn và giá bán tốt.
Sang quý II, mặc dù thị trường có dấu hiệu chững lại, giá bán sợi không tăng, song do dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã nhanh chóng dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng cao.
Loạt doanh nghiệp báo lãi giảm so với cùng kỳ
Dù thị trường thuận lợi và vẫn ghi nhận lợi nhuận nhưng vẫn có một số công ty ghi nhận lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ như ADS, GMC, HSM, KMR, MSH, TCM,...
Quý II năm nay, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội (HSM) là đơn vị ghi nhận lợi nhuận giảm sau nhất khi báo lỗ 5 tỷ đồng - giảm 188% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu tăng nhẹ lên 447 tỷ đồng. Nguyên nhân được phía doanh nghiệp đưa ra là do lợi nhuận quý này của các công ty con CTCP dệt Hà Đông, CTCP may Halotexco giảm sâu so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HSM tăng 19% lên 922 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 42 tỷ đồng và 31 tỷ đồng - tăng 83% và 72% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Thêm một doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm sâu nữa là CTCP Mirae (KMR). Cụ thể, dù doanh thu quý này tăng 13% lên 194 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại chỉ ghi nhận vỏn vẹn 0,3 tỷ đồng - giảm 96% cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận này là do giá nguyên vật liệu chính tăng cao hơn 53% so với cùng kỳ nên đã đội giá vốn lên cao. Cùng với đó, lợi nhuận đến từ việc hỗ trợ chi phí vận chuyển khách hàng Mỹ giảm so với cùng kỳ.
CTCP Damsan (ADS) cũng báo lợi nhuận quý này giảm 44% xuống còn 18 tỷ đồng, trong khi doanh thu quý này vẫn tăng nhẹ lên 405 tỷ đồng. Bán niên 2022, doanh thu của ADS tăng 22% lên 849 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 55 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu hơn 1.048 tỷ đồng - tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 55 tỷ đồng - tương ứng giảm 6% so với cùng kỳ và giảm 25% so với quý I/2022.
Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp khác cũng báo lợi nhuận giảm nhẹ như CTCP May Sông Hồng (MSH) báo lãi ròng chỉ còn 85 tỷ đồng - giảm hơn 31%; Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) giảm 20% xuống còn 52 tỷ đồng; CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) giảm 8% xuống còn 12 tỷ đồng; Tổng Công ty Việt Thắng (TVT) báo lợi nhuận giảm nhẹ 3% xuống còn 33 tỷ đồng.
Nhiều ông lớn ngược dòng ngoạn mục
Bên cạnh những công ty ghi nhận lợi nhuận giảm thì nhiều ông lớn trong ngành dệt may vẫn giữ được phong độ khi có những kế hoạch dự báo và ứng phó tốt với thị trường nhiều biến động.
Cụ thể, Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB) báo lãi ròng tăng 608% lên 62 tỷ đồng; doanh thu đạt gần 1.102 tỷ đồng - tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Bán niên 2022, doanh thu của MNB tăng 51% lên ngưỡng 2.032 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 98 tỷ đồng và 81 tỷ đồng - tương đương tăng 450% và 353% so với bán niên 2021.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng cao, MNB cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới đã được kiểm soát, vì vậy thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty được khôi phục. Do đó doanh thu và lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm của MNB đồng loạt tăng mạnh.
Ở một khía cạnh khác, cùng với sự phục hồi kinh tế từ toàn cầu và doanh thu ngành hàng bông tấm, chăm ga gối đệm tăng mạnh nên CTCP Everpia (EVE) báo doanh thu quý II đạt 279 tỷ đồng - tăng 23%, trong khi lãi ròng tăng 200% lên ngưỡng 12 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của EVE đạt 472 tỷ đồng - tăng 14%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 34 tỷ đồng và 27 tỷ đồng - tăng 219% và 203% so với bán niên năm ngoái.
Quý II/2022, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đạt 1.982 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế đạt gần 87 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu đạt 3.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 125 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 51% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (HTG) báo doanh thu đạt 1.243 tỷ đồng - tăng 50%; lãi ròng gần 63 tỷ đồng - tăng 155% so với cùng kỳ. Bán niên 2022, doanh thu của HTG đạt 2.588 tỷ đồng - tăng 67%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 170 tỷ đồng và 141 tỷ đồng - tăng 233% và 200% so với bán niên 2021.
Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty May 10 (M10) báo doanh thu thuần đạt 1.226 tỷ đồng - tăng 72% cùng kỳ; lãi ròng quý II tăng 80% lên 27 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp giải trình nguyên nhân là do doanh thu bán hàng, doanh thu tài chính cùng thu nhập khác tăng vọt nên lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ doanh thu.
Bán niên 2022, doanh thu của M10 đạt 2.082 tỷ đồng - tăng 45%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 61 tỷ đồng và 50 tỷ đồng - tương đương tăng 49% và 47% bán niên 2021.
Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm
Theo báo cáo cập nhật ngành dệt may của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.
Dù vậy, do giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Theo dữ liệu Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% đến 18%, điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước.
Ước tính tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.
Báo cáo nhận định toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistic và nhân công tiếp tục neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.
Áp lực lạm phát và chi phí nguyên liệu "đè" nặng lên doanh nghiệp dệt may nửa cuối năm 2022