Không ít người trẻ than phiền rằng giữa lòng thủ đô nhưng nhiều cửa hàng không nhận chuyển khoản là quá lạc hậu, lỗi thời.
Vài năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển nên hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, biết đến thẻ ngân hàng, ứng dụng ngân hàng qua điện thoại. Vì thế, việc thanh toán, mua sắm cũng trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần cầm điện thoại ra ngoài là có thể trả hết tất cả các khoản. Hầu như từ chợ đến quán cà phê, nhà hàng, siêu thị... đều nhận chuyển khoản khiến nhiều người vô tư cho rằng không cần mang tiền mặt ra ngoài để dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười khi chủ quán thông báo "không nhận chuyển khoản".
Tôi còn nhớ có lần cùng chồng và con gái vào một nhà hàng ở trung tâm thương mại. Trước lúc đi, chồng tôi đinh ninh rằng ở đâu cũng nhận chuyển khoản nên cả hai vợ chồng chỉ mang điện thoại, không mang ví. Nhưng lúc tôi xếp hàng để gọi đồ mới thấy người nhân viên nói rằng quán không nhận chuyển khoản vì có nhiều trường hợp bị chuyển khoản giả. Lúc đó vừa đói vừa mệt, nếu đi quán khác cũng mất thời gian, còn con nhỏ nữa.
Tôi chạy đi hỏi khắp nơi để đổi tiền, xin nhận tiền mặt rồi chuyển khoản. Dù tôi có giải thích không mang tiền mặt và quán không nhận chuyển khoản nên mới phải đi đổi tiền nhưng có nhiều người bày tỏ thái độ nghi hoặc, sợ bị lừa tiền nên từ chối. Mãi đến khi tôi gặp được một gia đình cũng đi ăn ở nhà hàng đó, họ hiểu tình cảnh nên đổi tiền mặt cho tôi. Kể từ sau tình huống này, tôi luôn nhớ mang theo ít tiền mặt khi ra khỏi nhà.
Tường Vi (33 tuổi, Nam Từ Liêm) cũng sững người khi xin mã QR để thanh toán bát bún ngan thì chủ quán thông báo "chỉ nhận tiền mặt”. Cô chủ quán giải thích thêm rằng mình chỉ buôn bán nhỏ lẻ, là quán bún với vài ba bàn nhưng gặp không ít lần bị lừa đảo. Khách đến ăn xin chuyển khoản nhưng cuối cùng không nhận được tiền, khi hỏi khách nói khác ngân hàng nên lâu nhận được nhưng rồi chỉ là trò lừa đảo. Chính vì thế, cô đành bỏ kiểu thanh toán qua chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt cho chắc ăn.
Lúc đó, Tường Vi tính tìm cây ATM để rút tiền nhưng nhớ ra không mang ví. Cô đành ngồi lại rồi nhắn tin cầu cứu đồng nghiệp ở cơ quan cách đó 3km. Điều đáng nói, việc Tường Vi phải ngồi lại vì không có tiền mặt để trả bị nhiều người chú ý khiến cô vô cùng xấu hổ.
Rút kinh nghiệm, gần đây mỗi lần ra quán ăn Tường Vi đều hỏi trước chủ quán "có được chuyển khoản không?". Bởi lẽ, cô không thích mang tiền mặt khi ra ngoài. Cô cho biết nếu không mang tiền mặt sẽ không lo trộm cắp, không lo bị nuốt thẻ ở cây ATM. Mấy năm qua, cô đều sử dụng thanh toán qua mã QR vô cùng tiện dụng. "Ở giữa lòng thủ đô nhưng không nhận chuyển khoản. Quá lạc hậu và lỗi thời", cô than phiền.
Dù việc không nhận thanh toán qua chuyển khoản có thể làm giảm lượng khách, bị chê bai lạc hậu, lỗi thời nhưng cũng có không ít lý do khiến các chủ quán phải quyết định như vậy. Đoàn Trang (30 tuổi, Thanh Trì) mở một shop quần áo thể thao nhỏ. Mỗi bộ đồ thể thao chỉ có giá từ 110 nghìn – 160 nghìn đồng, trị giá không cao. Thế nhưng cô cũng bị khách lừa đảo chuyển khoản khi mua hàng. Đơn hàng hết 330 nghìn đồng cho ba bộ quần áo, vị khách này nói rằng đã chuyển khoản, do khác ngân hàng nên ngày mai tiền mới đến nơi nhưng hóa ra bức ảnh chuyển khoản thành công chỉ là ảnh cũ.
Trang còn được bạn cũng kinh doanh kể rằng bị mất tiền khi bị dán đè mã QR code do một số đối tượng xấu cố tình chiếm đoạt tài sản. Từ đó, Trang thẳng thắn từ chối các khách muốn thanh toán chuyển khoản.
Bà Hồ Thắng (70 tuổi, Thanh Trì) mở quán cơm bình dân đã gần 40 năm nay. Vì già cả, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở quán cơm nên bà không biết đến mã QR, chuyển khoản hay thẻ ngân hàng gì. Thế nhưng, vài năm gần đây, khách đến ăn cơm nhiều người hỏi mã QR để thanh toán. Bà Thắng từ chối và ghi rõ thông báo không nhận thanh toán chuyển khoản.
“Tôi già rồi, chẳng biết mã QR là gì, thẻ ngân hàng chẳng dùng đến nên không thể nhận thanh toán như thế được. Mọi người đến ăn ai trả tiền mặt thì tôi bán, cũng có khách rời đi vì không có tiền mặt nhưng cũng đành chịu thôi”, bà Thắng bày tỏ.