Chứng khoán

Triển vọng các cổ phiếu gạo trước “cú sốc cung” thị trường thế giới

Băng Băng 06/09/2023 - 08:16

Bất chấp LTG, TAR,.. thời gian qua đã có đà tăng mạnh trước các thông tin về việc cấm xuất khẩu của Ấn Độ, chuyên gia nhận định cổ phiếu ngành gạo vẫn sẽ tiếp tục bật xa.

Ngành gạo hưởng lợi từ “cú sốc cung” trên thị trường thế giới

Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo mới cập nhật triển vọng ngành gạo nửa cuối năm. Tại báo cáo, MAS cho biết Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng. Tình thế này buộc các nước nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ. Giá gạo do đó càng được đẩy lên mức cao và thậm chí vẫn còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.

Chỉ số Giá lúa gạo Toàn cầu FAO là một thước đo do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tạo ra để theo dõi giá cả của lúa gạo trên toàn cầu đã tăng 19% từ mức bình quân năm 2022 so với 7 tháng đầu năm 2023.

Triển vọng các cổ phiếu gạo trước “cú sốc cung” thị trường thế giới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% cùng kỳ. Cuối tháng 8/2023, giá gạo 5% tấm đang gần 650 USD/tấn, quanh vùng đỉnh giá 15 năm. Bộ cũng nhận định sản lượng lúa gạo sản xuất chắc chắn sẽ vượt mức mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn.

Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi trừ phần đã bán, lượng gạo có khả năng xuất khẩu 5 tháng còn lại trong năm 2023 là khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn với mục tiêu cả năm xuất khẩu 7,5 triệu tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thiếu hụt nguồn cung do tác động từ Lệnh cấm xuất khẩu gạo, lạm phát tiếp diễn, biến đổi khí hậu El Nino, ... sẽ là những yếu tố tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo của những tháng cuối năm 2023.

Theo đó MAS dự báo giá gạo bình quân cả năm 2023 dự báo ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% cùng kỳ. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Cổ phiếu gạo tiềm năng

Từ bức tranh tích cực của ngành gạo trong nước, chuyên gia đã ra khuyến nghị mua đối với 3 cổ phiếu LTG, TAR, PAN.

Triển vọng các cổ phiếu gạo trước “cú sốc cung” thị trường thế giới

TAR: Giá mục tiêu 23.200 đồng/cp

TAR hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh, và xuất khẩu gạo. Trong đó, tiêu thụ gạo nội địa và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lần lượt là 85,6% và 14,4% doanh thu năm 2022. TAR sở hữu thương hiệu gạo Trung An, và 6 nhà máy chế biến gạo cung cấp khoảng 360.000 tấn gạo/ năm. Thị trường xuất khẩu chính: Hàn Quốc, Trung Quốc, và EU.

Triển vọng xuất khẩu: TAR đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo sang Hàn Quốc, và vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo với giá 674 USD/ tấn sẽ được giao trong tháng 7/2023. Đây là mức giá cao so với các nước trong khu vực. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp TAR thắng gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính như Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc khi mở cửa trở lại đã tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng 67,3% cùng kỳ 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của TAR, do đó kỳ vọng doanh thu xuất khẩu gạo của TAR sẽ tăng trưởng mạnh.

Dự phóng và định giá: Năm 2023, chúng tôi dự phóng doanh thu TAR đạt 4.487 tỷ đồng tăng 18,1% so với cùng kỳ, LNST đạt 64,8 tỷ đồng giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính lên đến 117 tỷ đồng tăng 26,8% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao.

MAS ước tính EPS forward 2023 đạt 761 đồng/cp, tương ứng mức P/E forward ở mức 24,2 lần. Chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC dành cho TAR: 1) Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm tích cực nhờ thiếu hụt nguồn cung; 2) Hưởng lợi từ việc giá gạo tăng; 3) Kỳ vọng hoạt động kinh doanh cải thiện từ năm 2024.

LTG: Tỷ suất sinh lời kỳ vọng hơn 24%

Tập đoàn Lộc Trời gồm 23 công ty con và 1 công ty liên kết, chuyên về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (đạt tỷ lệ 37% trong doanh thu năm 2022) cùng với sản xuất và kinh doanh lương thực và gạo (chiếm tỷ lệ 54%). Ngoài ra, tập đoàn còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như hạt giống cây trồng, bao bì, xây dựng và nhiều lĩnh vực khác.

Hoạt động lương thực gạo kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp chính cho hoạt động LTG trong nửa cuối năm 2023 nhờ đà tăng chung của giá gạo thế giới.

LTG là doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua nhiều năm. Trong nửa đầu năm 2023, LTG tăng cường việc vay nợ ngắn hạn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, lãi suất vay vốn ở mức khá thấp, và đặc biệt là việc LTG nhận được các khoản vay tín chấp. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng các ngân hàng dành cho LTG.

EPS forward 2023 ước đạt 5.594 đ/cp, tương ứng P/E forward 2023 ở mức 6,8 lần. MAS đánh giá TÍCH CỰC dành cho LTG nhờ: 1) Mảng lương thực gạo kỳ vọng duy trì sức tăng trưởng nhờ sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới; 2) Giá bán kỳ vọng khả quan; 3) Sự trở lại ở mảng thuốc bảo vệ thực vật sau khi chấm dứt phân phối sản phẩm từ Syngenta.

PAN: Mục tiêu dự phóng 24.800 đồng/cp

Pan Group là một tập đoàn hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, với một hệ sinh thái đa dạng bao gồm Giống cây trồng và gạo (NSC), Tôm xuất khẩu (FMC), Bánh kẹo (BBC), Cá tra & nghêu (ABT), Hạt và trái cây sấy (LAF), Thuốc trừ sâu (VFG), và Nước mắm (584 Nha Trang). Mảng thủy sản và nông nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong hoạt động, chiếm tương ứng 41% và 43% tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù ghi nhận sự giảm tỷ lệ doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ sinh thái rộng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đã giúp PAN duy trì sự ổn định trong nhiều năm và có khả năng chống chọi với suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nông nghiệp và thực phẩm. Kỳ vọng chu kỳ phục hồi hoạt động sẽ rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2023 trở đi khi nhu cầu tiêu thụ gạo, thủy sản kỳ vọng sẽ dần phục hồi.

MAS đánh giá TÍCH CỰC dành cho PAN: 1) hệ sinh thái hoàn chỉnh tạo lợi thế cạnh tranh lớn; 2) ngành nghề ổn định, phát triển tốt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu; 3) việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản và sản phẩm nông nghiệp; 4) kỳ vọng phục hồi dần hoạt động kinh doanh từ năm 2024.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 6/9: HHV, HPG, PVD, DPG

Hoàng Quân (HQC): Đơn vị liên quan đến Phó Tổng Giám đốc muốn gom 20 triệu cổ phiếu

NT2: Hơn 400 tỷ đồng cổ tức sắp chảy về túi cổ đông

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trien-vong-cac-co-phieu-gao-truoc-cu-soc-cung-thi-truong-the-gioi-199371.html?fbclid=IwAR0p2bxP5zsgj7BzC2Uqzm8sp7_HHuDwKrznVtSS4tS01y1uC-R4rE1ECmE_aem_th_AepGlXnstLsQeI42ERaOXe-L3D-Fma85Ictyq7_dKo2I9_lHlZrZ8T8v9jm2DZBZngE
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Triển vọng các cổ phiếu gạo trước “cú sốc cung” thị trường thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH