23 thành viên của băng đảng này mới đây đã bị kết án tù với tội danh khai quật và đánh cắp cổ vật từ các khu di tích rồi bán lại với giá cao.
"Đào đâu trúng đấy"
Năm 2020, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã triệt phá thành công một băng đảng chuyên đào hầm trộm cổ vật. Cụ thể, từ năm 2011, băng đảng này đã đột nhập 6 ngôi chùa cổ và 1 ngôi mộ cổ ở các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây. Đây đều là những công trình được công nhận là di tích văn hoá cần được bảo vệ. Người cầm đầu băng đảng là Wei Yonggang. Một số thành viên trong nhóm là người thân và bạn tù của Wei.
Các thành viên sinh từ 1960 đến 1980, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như khai quật, đào hầm và bán lại các cổ vật đã đánh cắp. Vụ việc đã tạo nên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng thắc mắc vì sao băng đảng này lại biết rõ về vị trí các cổ vật để có thể "đào đâu trúng đấy"?
Đáng chú ý, để che giấu hành vi phạm pháp của mình, băng đảng này đã mở hàng ăn gần các di tích và kinh doanh như bao cửa hàng bình thường khác. Khi đêm xuống, các thành viên trong băng đảng sẽ thay nhau đào hầm từ nhà hàng đến di tích để tìm kiếm các cổ vật dưới lòng đất. Nhóm này đã đánh cắp hàng chục món đồ quý giá bao gồm tượng Phật và quan tài bằng vàng.
"Việc vận hành một cửa hàng đã quá mệt mỏi. Sao họ vẫn còn năng lượng để đào hầm vào ban đêm?", một cư dân mạng đặt câu hỏi. "Bọn chúng thật thông minh, tuy nhiên, trí thông minh này lại bị sử dụng ở sai chỗ. Thật là đáng xấu hổ", một bình luận khác được đăng tải. Đối với một vài người, họ đã phải thốt lên câu chuyện này giống như cổ tích và lên án hành động phá hoại di sản này của nhóm tội phạm, mong rằng pháp luật sẽ trừng phạt thích đáng để nâng cao tầm nhận thức về việc bảo tồn những di sản văn hóa.
Trước đó, Trung Quốc bắt 26 người đào mộ trộm cổ vật vàng. Nhiều cổ vật bằng vàng và bạc bị một nhóm nghi phạm Trung Quốc đánh cắp ở các ngôi mộ có từ thế kỷ thứ 7. 26 nghi phạm bị cáo buộc đánh cắp gần 650 cổ vật ở các ngôi mộ cổ tại Đô Lan, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hải, nằm trên Con đường Tơ lụa phía tây bắc Trung Quốc. Số cổ vật gồm trang sức, dao cốc đĩa bằng vàng và bạc từ thế kỷ thứ 7, trong đó có 16 thứ được xếp hạng di vật văn hóa cấp quốc gia.
Nhóm nghi phạm được cho là định bán chúng với giá khoảng 11 triệu USD. Các chuyên gia tin rằng nhiều cổ vật trong số trên có giá trị lịch sử quan trọng vì thể hiện sự trao đổi văn hóa và tương tác giữa phương Đông và phương Tây trong thời kỳ đầu của Nhà Đường (năm 618-907). Sau vụ bắt giữ, cảnh sát sẽ tăng cường trấn áp tội phạm trộm cổ vật để bảo vệ di sản văn hóa của nước này, Chính phủ Trung Quốc cho hay.
Kẻ trộm mộ cổ hoành hành
Yao Yuzhong - trùm một băng đảng đào mộ tại vùng Đông Bắc Trung Quốc đã bị kết án tử hình. Theo Global Times, Yao đến từ Chifeng thuộc khu tự trị Nội Mông, là thủ lĩnh của băng nhóm lớn nhất trong 12 băng nhóm trộm mộ có tổ chức tại Trung Quốc. Các nhóm này tham gia các hoạt động trộm cắp tại các bãi mộ cổ ở vùng Niuheliang, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Theo China Daily, khu di tích văn minh Hongshan ở tỉnh Liêu Ninh được phát hiện vào năm 1921. Khu vực di tích lịch sử quan trọng của quốc gia và là ứng viên của Trung Quốc cho danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO vào năm 2013. Khu vực này còn có một bàn thờ đá lớn được cho là đã 5.500 năm tuổi.
Rất nhiều trong số các di tích văn hóa bị cướp đã được bán cho các nhà sưu tập tư nhân ngay tại Trung Quốc hay ở cả nước ngoài. Nhưng một vài cổ vật theo báo cáo đã được đem về viện bảo tàng. Các vổ vật đã đi qua quá trình mua đi bán lại phức tạp và thường là buôn bán trực tuyến để che giấu nguồn gốc.
Yao đã bị cáo buộc các tội danh đào mộ bất hợp pháp, trộm cắp và buôn bán các cổ vật bị đánh cắp. Băng đảng của ông có tổ chức cao, được cung cấp nguồn vốn, hay đi khám phá, cướp bóc và buôn bán các di tích lịch sử. Đồng bọn đã khai nhận cách thức ông sử dụng các dụng cụ thiên văn và bản đồ cũ để tìm các di tích. Tuy nhiên, thói cờ bạc khiến cho việc kinh doanh của Yao không khấm khá nổi.
*Theo Beijing Daily, Tân Hoa Xã, China Daily, iDaily Museum