Bộ Công an vừa có đề xuất quan trọng liên quan đến bảo mật thông tin của hàng triệu người
Bộ Công an đề xuất doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử, lưu trữ phải tích hợp hệ thống lọc mã độc trong toàn bộ quá trình gửi, nhận, lưu trữ thông tin.
Bộ Công an đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử và lưu trữ dữ liệu phải tích hợp hệ thống lọc phần mềm độc hại trong toàn bộ quá trình gửi, nhận và lưu trữ thông tin.
Đề xuất này được nêu trong dự thảo Luật An ninh mạng sửa đổi, hiện đang được lấy ý kiến từ các bộ, ngành. Dự luật được xây dựng trên cơ sở hợp nhất hai văn bản pháp luật hiện hành là Luật An toàn thông tin mạng (2015) và Luật An ninh mạng (2018).
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định cụ thể về việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý phần mềm độc hại. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử, truyền đưa và lưu trữ thông tin phải triển khai hệ thống giám sát, lọc mã độc trong suốt quá trình vận hành, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Bộ Công an đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử và lưu trữ dữ liệu phải tích hợp hệ thống lọc phần mềm độc hại trong toàn bộ quá trình gửi, nhận và lưu trữ thông tin (Ảnh minh họa: Internet)
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán phần mềm độc hại. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo an toàn thông tin.
Dự thảo luật cũng đưa ra định nghĩa phần mềm độc hại là các chương trình có khả năng gây rối loạn hệ thống thông tin hoặc thực hiện các hành vi xâm nhập trái phép như sao chép, chỉnh sửa, xóa dữ liệu trong hệ thống.
Theo cơ quan soạn thảo, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bứt phá trong phát triển, việc củng cố an ninh mạng trở nên ngày càng cấp thiết. Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia.
Cùng với đó, Việt Nam đang tiến tới mô hình chính phủ điện tử toàn diện, với dân số trẻ, trình độ học vấn cao và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội cùng các nền tảng trực tuyến ở mức cao. Quốc gia này cũng thường xuyên nằm trong top 10 nước có lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy an ninh mạng vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và quyền lợi hợp pháp của người dân, tổ chức. Các cuộc tấn công mạng, hoạt động gián điệp mạng và tình trạng rò rỉ, mất mát thông tin bí mật Nhà nước ngày càng tinh vi và phức tạp.
Tin tặc liên tục nâng cấp mã độc, triển khai các chiến dịch tấn công có chủ đích nhằm vào hệ thống mạng của các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp lớn và tập đoàn trọng điểm. Trong khi đó, việc quản lý và bảo vệ dữ liệu tại nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo. Dữ liệu cá nhân đang bị khai thác tràn lan, dẫn đến gia tăng các loại tội phạm mạng, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, tội phạm công nghệ cao có yếu tố nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển hoạt động vào Việt Nam. Chúng thường chọn các địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang làm nơi hoạt động.
Trước tình hình này, Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh mạng và siết chặt công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào cuối năm nay.
>> Bộ Công an phối hợp tiếp nhận 161 ‘cán bộ điện lực, an ninh mạng' từ Campuchia
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC: Tôi là nạn nhân của tin giả
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC hướng dẫn các bước tránh bị lừa đảo, người dân cả nước cần nắm rõ