Trời rét tê tái, lão nông vào rừng làm điều đặc biệt để bảo vệ cơ nghiệp
Nhiệt độ xuống quá thấp, nông dân các huyện vùng cao Nghệ An phải che chắn chuồng trại, đốt củi ngày đêm để sưởi ấm cho đàn gia súc.
Đốt củi xuyên đêm sưởi ấm cho trâu, bò
Sở hữu hơn 40 con trâu bò, gia đình ông Hờ Bá Pó (trú bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) đã tập trung gia cố chuồng trại để phòng chống cho đàn gia súc trong những ngày giá lạnh.
Ông Pó cho hay, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và rút kinh nghiệm từ những đợt rét đậm, rét hại trước, người dân nơi đây không còn thả rông đàn gia súc trong rừng nữa mà tập trung về nhà, chuồng trại.
“Năm nay, khi xem dự báo thời tiết gia đình tôi đã gia cố lại chuồng trại bằng cách dùng bạt che kín. Đồng thời chuẩn bị số lượng cỏ cho trâu bò ăn trong ít nhất một tuần. Hàng ngày cả nhà thay nhau đi kiếm củi về rồi đốt để giữ ấm cho trâu, bò”, ông Pó chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn, ông Lang Thanh Lương cho biết, địa phương đã thông báo đến toàn thể nhân dân bằng nhiều kênh về công tác phòng, chống rét cho vật nuôi. Theo đó, yêu cầu người dân đưa trâu, bò về chuồng, che chắn kín đáo, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm và cấm thả rông trâu, bò trong những ngày giá rét.
Nhiều địa phương ở Kỳ Sơn như xã Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Lống..., nhiệt độ cũng xuống khá thấp, dưới 5 độ C. Để hạn chế thiệt hại, các hộ chăn nuôi đã chủ động che chắn chuồng trại, đốt lửa chống rét cho đàn gia súc.
Ông Hạ Và Xềnh (trú xã Tây Sơn) cho biết, từ đầu năm đến giờ, đây là đợt lạnh nhất. Trong bản hầu hết nhà nào cũng có trâu, bò, lợn, gà, dê. Cũng may từ khi bắt đầu lạnh, hội nông dân của xã đã kịp thời khuyến cáo bà con dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Mấy ngày trước mọi người đều vào rừng đưa trâu, bò về nhà, đêm cũng như ngày phải đốt lửa để chống rét.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn thông tin, là địa phương có số lượng trâu, bò lớn với hơn 50 nghìn con, huyện đã chủ động ứng phó ngay từ đầu bằng cách hướng dẫn người dân chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, gia cố che chắn lại chuồng trại và nhất là sử dụng các biện pháp giữ ấm.
Dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét
Huyện vùng cao Quế Phong hiện có hơn 71 nghìn gia súc, gia cầm. Trong đó có hơn 18,4 nghìn con trâu, 20 nghìn con bò, hơn 28 nghìn con lợn, hơn 4,5 nghìn con dê.
Những ngày qua nhiệt độ trên địa bàn xuống rất thấp, có nhiều thời điểm nhiệt độ xuống 3-4 độ C. Trước tình hình thời tiết giá rét, huyện Quế Phong đã chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn, giữ ấm cho gia súc gia cầm. Đặc biệt, người dân cần chủ động dự trữ thức ăn, đảm bảo phòng chống đói rét cho vật nuôi trong những ngày giá lạnh.
Gia đình ông Lương Văn Thái (trú xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) nuôi 3 con trâu, nghé để phát triển kinh tế gia đình. Nhiệt độ xuống thấp nên ông cùng các thành viên trong gia đình chủ động gia cố chuồng trại, dùng bạt che kín xung quanh để tránh gió lùa.
“Thời tiết giá rét khiến tôi rất lo lắng. Mấy con trâu là tài sản đáng giá nhất của gia đình, hằng ngày mọi người thay nhau đi cắt cỏ để đảm bảo thức ăn. Bên cạnh đó, chủ động đi kiếm củi, đốt lửa ngày đêm sưởi ấm cho vật nuôi”, ông Thái cho hay.
Rút kinh nghiệm những đợt rét trước, tại các huyện khác như Yên Thành, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... nông dân cũng đã chủ động mua thêm bạt che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và đốt củi sưởi ấm cho đàn gia súc, gia cầm để tránh thiệt hại.
>> Người chăn nuôi thận trọng tái đàn phục vụ Tết Quý Mão 2023